Đốt hàng nghìn con hạc giấy trong buổi lễ tại đền Daisho-in. Ảnh: AFP
Trong một thập niên, ngôi chùa Daisho-in ở đảo Miyajima, đối diện với Hiroshima, đã tổ chức nghi lễ đốt hàng triệu con hạc giấy được gửi đến thành phố này mỗi năm. Buổi lễ nhằm tôn vinh những tình cảm được gửi gắm vào từng con hạc giấy.
Và kể từ năm 2015, sau khi đốt hạc giấy, người ta dùng tro để tráng men các lư hương và chân đế nến bằng gốm.
Trong nhiều thập niên qua, hạc giấy từ khắp nơi được gửi đến Hiroshima. Điều này bắt nguồn từ câu chuyện của cô bé 2 tuổi Sadako Sasaki sống tại Hiroshima khi Mỹ thả bom nguyên tử vào thành phố này ngày 6/8/1945. Sau đó, cô bé mắc bệnh ung thư máu và phải nhập viện. Cô bé đã gấp 1.000 con hạc giấy với niềm tin rằng việc này sẽ giúp điều ước thành sự thật.
Cô bé Sasaki qua đời năm 12 tuổi và nằm trong 140.000 trường hợp thiệt mạng trực tiếp vì quả bom nguyên tử năm 1945 hoặc do ảnh hưởng sau đó. Những con hạc giấy đã trở thành biểu tượng về tác động của bom nguyên tử và trở thành phương pháp phổ biến để giáo dục trẻ em về sự kiện này.
Trong nhiều năm, những con hạc giấy được gửi đến Hiroshima và bị bỏ lại tại các đài tưởng niệm. Những người dọn dẹp thành phố thỉnh thoảng xử lý chúng. Mãi cho đến năm 2012, khi thành phố tìm biện pháp tốt hơn để xử lý những con hạc giấy này, ông Kinya Saito tại nhóm hòa bình có tên Nagomi Project đã đề xuất đốt hạc giấy theo nghi lễ.
Ông nói: “Tôi nghĩ là tình cảm sẽ đi theo làn khói và gửi đến những nạn nhân của bom nguyên tử”.
Nhà sư Yoyu Mimatsu thổi vỏ ốc trong khi tiến hành lễ đốt hạc giấy. Ảnh: AFP
Trong thập niên qua, nhà sư Yoyu Mimatsu ở chùa Daisho-in đã chủ trì buổi lễ đốt hạc giấy. Sau khi thổi vỏ ốc, nhà sư ngồi vào chiếc bàn trước lửa và tụng kinh cho linh hồn các nạn nhân của vụ đánh bom.
Xưởng gốm Taigendo tại Hatsukaichi, Hiroshima vốn có 100 năm truyền thống là nơi tiếp nhận tro đốt hạc giấy để tráng men đồ gốm sứ.
Đây là một dự án mang tính nghệ thuật nhưng cũng liên quan trực tiếp với ông Kosai Yamane – người thuộc đời thứ ba của gia đình vận hành xưởng gốm Taigendo. Khi xảy ra vụ ném bom hạt nhân năm 1945, mẹ của ông Kosai Yamane mới 14 tuổi và bà đã có một vết sẹo to trên khuỷu tay. Khi còn nhỏ, ông chỉ thấy mẹ mình mặc áo dài tay, dường như để tránh bị phát hiện vết sẹo và tránh nói về nó.
Ông Kosai Yamane tại xưởng gốm Taigendo ở Hatsukaichi, Hiroshima. Ảnh: AFP
Ông Yamane (60 tuổi) cho rằng không nên dùng tro của hạc giấy để tráng men những vật dụng thường ngày và cần đưa vào những thứ có thể truyền tải được thông điệp hòa bình từ Hiroshima.
Đầu tiên, ông quyết định sản xuất lư hương hình con hạc tinh xảo, sau đó bắt đầu sản xuất chân đế nến. Chúng có phần trên giống như hình dạng của Đài tưởng niệm Hòa bình dành cho Trẻ em ở Hiroshima.
Ông Yamane đã rất bất ngờ khi biết rằng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tặng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một chân đế nến này vào tháng 3 vừa qua.
Sáng 19/5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã chính thức khai mạc với sự kiện các nhà lãnh đạo đến thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Đây là lần đầu tiên tất cả các nhà lãnh đạo G7 cùng đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hiroshima, nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào ngày 6/8/1945.
Thủ tướng nước chủ nhà Fumio Kishida đã nhấn mạnh các nhà lãnh đạo G7 cần chứng kiến tận mắt hậu quả của việc sử dụng bom nguyên tử. Ông đã ấn định vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, coi đây là điểm khởi đầu cho tất cả nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trong tương lai.