Đồng NaiGần một tuần nay, ngày nào gia đình cụ Trịnh Thị Khơng, 119 tuổi, cũng đón khách lạ ghé thăm, hỏi chuyện sau khi video về cụ được chia sẻ trên mạng xã hội.
Cụ Trịnh Thị Khơng ở xã Bình Lộc, TP Long Khánh, sinh năm 1905 vốn là người quê ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Thời trẻ, cụ kết hôn với một người đàn ông cùng làng, có với nhau ba mặt con. Năm 1950, chồng cụ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Sau đó, cụ tái hôn và có thêm bốn người con trong khoảng 10 năm.
Sau 1975, bà Đỗ Thị Ninh (hiện 82 tuổi) con gái thứ hai cụ Khơng lấy chồng ở TP Long Khánh, Đồng Nai nên cụ theo con chuyển vào miền Nam sinh sống. Vài năm sau, con trai út của cụ cũng vào nam lập nghiệp, còn lại 5 người ở miền Bắc.
Sống cùng con gái ở Đồng Nai nhưng cứ vài tháng cụ Khơng lại một mình tự đón tàu hỏa hoặc xe khách về Thanh Hóa thăm nhà, kể cả khi đã ngoài 80 tuổi. Người phụ nữ cho rằng việc thường xuyên vận động, không ỷ lại vào con cháu là bí quyết giúp mình sống thọ, sống khỏe và minh mẫn ở tuổi già.
“Tính cụ không thích phiền ai”, bà Ninh nói. “Cụ minh mẫn, không bao giờ đón nhầm chuyến hoặc gặp khó khăn gì dọc đường đi”.
Bước qua tuổi 100, cụ bà vẫn yêu lao động. Hàng xóm kể, ngày nào cũng thấy cụ dậy từ mờ sáng, nhổ cỏ trước sân, quét dọn nhà cửa và chăm sóc vườn tược. Không chỉ vậy, cụ còn phụ gia đình lột mít, vỏ đậu phộng. “Con cháu ngăn không cho làm cụ sẽ giận bởi công việc khiến cụ cảm thấy khỏe mạnh, minh mẫn”, bà Ninh kể và cho rằng đó cũng là lý do bước sang tuổi 119, cụ bà vẫn nhớ mặt, nhớ tên toàn bộ con cháu, dâu rể gần 110 người.
Cụ Khơng là người sống tình cảm, dạy dỗ đại gia đình đoàn kết. Ông Thanh Xuân, 60 tuổi, là cháu ngoại cụ cho biết họ có hai dịp sum họp là Tết và lễ mừng thọ cụ vào tháng 6 hàng năm. Do số lượng thành viên đại gia đình rất đông nên họ chia từ hai đến bốn đợt về thăm cụ. Cụ Khơng nói với con cháu không cần tiền bạc, chỉ cần gặp nhau là niềm vui.
Cụ dạy con từ nhỏ anh em phải nhường nhịn. Bà Ninh nói đến giờ người Nam, người Bắc nhưng vẫn duy trì gọi điện trò chuyện hàng tuần. “Người ngoài nhìn vào không biết chúng tôi là anh em cùng mẹ khác cha”, bà Ninh nói. “Kể cả dâu rể mẹ cũng rất yêu thương”.
Năm 2022, chồng bà Ninh qua đời tuổi 96. Gia đình phải đưa cụ Khơng đến nhà người thân ở cách đó 15 km ở để tổ chức đám tang cho ông. Sau khi lo hậu sự xong, cụ Khơng về nhà liên tục hỏi con rể đi đâu, gia đình giấu nói ông đi chùa, thăm người thân. Sau cụ hỏi dồn, mọi người mới nói thật, cụ đã buồn và khóc nhiều bởi thương con rể.
Ba năm trước, cụ Khơng bị ngã gãy xương, lâm bệnh nặng nên sức khỏe yếu đi rõ rệt. Cụ sinh hoạt ăn uống, tắm giặt dựa vào con gái và ba người cháu sống cùng.
Mỗi ngày, cụ dùng ba bữa bao gồm cháo loãng, yến, sữa hoặc trái cây mềm. Nếu cụ khỏe vào buổi chiều sẽ ngồi dậy trò chuyện cùng con cháu.
“Mẹ có lúc quên, có chuyện hỏi đến ba, bốn lần nhưng ký ức xưa hay những đứa con chưa bao giờ bà lẫn”, bà Ninh nói.
Ông Nguyễn Văn Lào – chủ tịch Hội người cao tuổi xã Bình Lộc, TP Long Khánh cho biết hàng năm hội đều tổ chức tặng quà, thăm hỏi và mừng thọ cụ. Ở địa phương, cụ bà sống hòa nhã, tốt bụng và được mọi người yêu quý.
Những ngày đầu tháng 3, người phụ nữ 119 tuổi trở nên vui vẻ và hoạt bát hơn bởi ngày nào cũng có khách đến thăm. Câu chuyện về cuộc sống của cụ Khơng được chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút gần hai triệu lượt xem và hơn 1.500 bình luận, hầu hết đều gửi lời chúc sức khỏe và mong cụ sống thọ hơn nữa. Một số người phát hiện cụ nhiều hơn người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới còn sống là cụ bà Maria Branyas Morera ở ở San Francisco, Mỹ (được tổ chức Kỷ lục Guiness công nhận) hai tuổi.
Ngọc Ngân