Sáng 21/10, theo giờ Anh, người hâm mộ Man Utd nhận tin sốc khi Sir Bobby Charlton qua đời. Sau 3 năm vật lộn với căn bệnh mất trí nhớ, ông ra đi thanh thản bên cạnh người thân trong gia đình.
Biểu tượng của sân Old Trafford và nước Anh đã ra đi mãi mãi nhưng những cống hiến, di sản của ông sẽ vẫn trường tồn với người hâm mộ bóng đá quốc đảo sương mù.
Nỗi day dứt chứng kiến đồng đội ra đi trong thảm họa Munich
“Tại sao lại là tôi, tại sao tôi sống sót“, Sir Bobby Charlton viết trong cuốn tự truyện của mình. Đó là là những lời day dứt, giằng xé trong nội tâm của Bobby Charlton khi ông thoát khỏi thảm họa Munich.
Buổi chiều kinh hoàng ngày 6/2/1958 khiến 7 cầu thủ Man Utd tử vong tại chỗ, sau đó người thứ 8 Duncan Edwards chết tại bệnh viện.
Năm đó, Bobby Charlton mới 20 tuổi. Xung quanh ông cũng là những người đồng đội trẻ trung, tài năng mà người ta gọi với biệt danh trìu mến “Những đứa trẻ của Busby”.
HLV huyền thoại Matt Busby xây dựng thế hệ cầu thủ trẻ xuất sắc, theo phương pháp riêng với một kế hoạch lâu dài để vực dậy Man Utd. Lứa cầu thủ này bắt đầu gặt hái thành công với hai danh hiệu vô địch nước Anh liên tiếp các năm 1956 và 1957.
Họ đại diện cho nước Anh tham dự Cúp C1 châu Âu 1958. Sau khi đánh bại Red Star Belgrade ở tứ kết, họ gặp tai nạn trên đường trở về Anh.
“Tôi đang chơi ở một đội bóng mà cả thế giới dưới chân họ. Đột nhiên bạn quay trở lại và câu lạc bộ đang vật lộn để tồn tại. Đó là khoảng thời gian đau thương với Man Utd“, Bobby Charlton chia sẻ năm 2008.
Sau thảm họa Munich, Man Utd thua trong trận chung kết Cúp Quốc gia, thắng một trong 14 trận còn lại ở giải vô địch quốc gia và bị AC Milan loại khỏi bán kết Cúp C1 châu Âu. Đội bóng phải sử dụng cầu thủ trẻ và mượn người để đủ quân số thi đấu.
Bobby Charlton xuất viện sau 1 tuần. Tuy nhiên, ông mất gần 1 tháng để định thần sau cú sốc và trở lại thi đấu. Cũng từ đây, Bobby Charlton trở thành một con người khác.
“Cậu ấy đã ngừng cười“, Jack – anh trai của Bobby chia sẻ.
Nhà báo Oliver Holt của Dailymail nhận xét: “Đó có lẽ là nguyên nhân khiến ông ấy khiêm tốn và không để mình cuốn theo những thành công. Cách cư xử của ông ấy như thể giấu đi cảm xúc vui vẻ, bởi như vậy là không phải với những người đã chết. Ông ấy mang theo ký ức của họ khi chơi bóng. Bobby dành chiến thắng cho những đồng đội cũ, điều mà lẽ ra họ phải có cùng nhau“.
Năm 2017, ở sinh nhật lần thứ 80, Bobby Charlton tâm sự rằng, ông vẫn không thôi day dứt và ám ảnh về thảm họa năm xưa.
“Hình ảnh đó vẫn hiện trong tôi hàng ngày. Đôi khi tôi hối hận và buồn bã khủng khiếp vì đã sống sót. Bạn thấy đấy, trong một thời gian ngắn, bóng đá, cuộc sống dường như mất đi ý nghĩa. Tôi thật may mắn khi ngồi đúng chỗ“, Bobby Charlton bày tỏ.
Bộ ba huyền thoại
Sau khi trở lại, Bobby Charlton trở thành đầu tàu của Man Utd. Ông lĩnh xướng hàng tiền vệ với khả năng di chuyển không biết mệt mỏi. Bên cạnh đó, điểm mạnh của ông là nhãn quan sắc bén và những cú sút xa tốt bằng cả hai chân đã trở thành thương hiệu.
Tuy nhiên, để tận dụng hơn nữa khả năng chuyền bóng của Bobby Charlton, Man Utd mang về 2 cầu thủ Dennis Law và George Best. Họ tạo thành thành bộ ba huyền thoại của sân Old Trafford. Bức tượng United Trinity bên ngoài sân bóng này hiện nay là để vinh danh 3 ngôi sao một thời.
Trong giai đoạn bộ ba chơi cùng nhau, United gặt hái một loạt danh hiệu. Họ vô địch quốc gia các năm 1964/1965, 1965/1967; vô địch FA Cup 1962/1963; giành Cúp C1 1967/1968. Dennis Law, Bobby Charlton, George Best thay nhau giành Quả bóng vàng các năm 1964, 1966 và 1968.
Bobby Charlton giành Quả bóng vàng năm 1966 nhờ việc ông giúp đội tuyển Anh giành chức vô địch World Cup lần đầu tiên và duy nhất đến nay. Chức vô địch Cúp C1 năm 1968 đánh dấu 10 năm kể từ thảm họa Munich.
Hai danh hiệu ấy là thành quả, nỗ lực không ngừng của Bobby Charlton. Ở bữa tiệc ăn mừng chức vô địch Cúp C1, Bobby Charlton không thể góp mặt. Vợ ông – bà Norma nói rằng tinh thần của ông đã kiệt quệ, không thể đứng dậy khỏi giường khách sạn.
“Anh ấy rất nhớ những chàng trai không thể có mặt ở đây tối nay“, bà Norma chia sẻ.
Văn Hải