“Chúng tôi nâng cốc chúc mừng mà rưng rưng nước mắt nghĩ tới biết bao hy sinh của đồng bào, chiến sĩ để có được đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc hòa bình hôm nay”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nhớ lại cảm xúc vào thời điểm Việt Nam – Trung Quốc hoàn thành đàm phán phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền 25 năm trước (2009), tại hội nghị kỷ niệm do Bộ Ngoại giao tổ chức sáng nay 2.8.
Ông Sơn kể, tháng 4.1978, ông và một số người được Nhà nước cho đi học tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Khi tàu qua ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), ông được nghe chuyện một chiến sĩ biên phòng của ta bị lính Trung Quốc đánh bị thương tại khu vực đường biên giới.
“Tôi thực sự bị sốc, vì đây là lần đầu tiên giữa ta và Trung Quốc có tranh chấp biên giới. Tôi hiểu rằng đây là một quả bom nổ chậm trong quan hệ vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa Việt Nam và Trung Quốc”, ông Sơn kể lại.
Tới 26.8.1978, ông Sơn làm phiên dịch cho vụ trưởng Vụ Trung Quốc giao thiệp với Đại sứ Trung Quốc về việc chiến sĩ biên phòng Lê Đình Chinh bị sát hại.
“Từ đó, tôi hiểu rằng, biên giới là hàn thử biểu quan hệ hai nước. Hàn thử biểu đó đang cho thấy các cuộc khiêu khích, xâm lấn biên giới trên biên giới Việt – Trung đang ngày một căng thẳng, đồng nghĩa quan hệ Việt – Trung đang ngày một xấu đi”, ông Sơn nhớ lại và cho biết, tới 17.2.1979 thì các vụ khiêu khích, xâm lấn ở biên giới đã bùng nổ thành cuộc chiến tranh trên toàn tuyến biên giới.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ngay sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Trung Quốc đã khẩn trương đàm phán về biên giới trên bộ. Đến cuối 2008, trong 289 khu vực tranh chấp, có 2 khu vực được xếp vào một gói là thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân, do quá trình đàm phán “không ai chịu ai” nên đành phải để lại giải quyết cuối cùng.
“Ngày 29.11.2008, tôi được tham gia đoàn của Thủ tướng Chính phủ lên cửa sông Bắc Luân tỉnh Quảng Ninh. Tôi nhớ Thủ tướng (nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – PV) có nói: tỉnh Quảng Ninh có vị trí đắc địa, có một thị trường 200 triệu dân (ý nói dân số các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc), Quảng Ninh phải tranh thủ để trở thành một cực tăng trưởng của Bắc bộ. Lâu nay cả nước đã vì Quảng Ninh. Nay đã đến lúc Quảng Ninh cũng phải vì cả nước. Nay mai, T.Ư Đảng quyết định giải quyết vấn đề bãi Tục Lãm (một trong các điểm tranh chấp trong phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ tại cửa sông Bắc Luân – PV) thế nào mong các đồng chí đồng tình ủng hộ”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cho hay, 1 tháng sau đó, Việt Nam và Trung Quốc đàm phán tại Hà Nội. Hai bên giằng co quyết liệt. Đến khoảng 18 giờ chiều 31.12.2008, trưởng đoàn ta đề nghị tạm dừng đàm phán để ra gặp báo chí, tuyên bố đã hoàn thành phân giới cắm mốc vì đằng nào trong đêm nay cũng sẽ phải giải quyết xong.
“Sau khi gặp báo chí, hai bên tiếp tục đàm phán đến 2 giờ sáng ngày 1.1.2009 thì giải quyết xong gói thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân, đặt dấu chấm kết thúc cho công tác phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc”, ông Sơn cho biết.
“Chúng tôi nâng cốc chúc mừng mà rưng rưng nước mắt nghĩ tới biết bao hy sinh của đồng bào, chiến sĩ để có được đường biên giới hòa bình hôm nay.
Chúng tôi hiểu rằng, nếu không có mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước thì không thể giải quyết được vấn đề biên giới. Nhưng nếu không có đường biên giới hòa bình, hữu nghị thì cũng khó có cơ sở vững chắc để tin cậy lẫn nhau tăng cường hợp tác, phát triển. Hai cái này quện chặt lấy nhau, tác động qua lại với nhau”.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn
“Tốt đẹp như thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông”
Liệu hai bên Việt Nam – Trung Quốc đã tận dụng hết những lợi thế của một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển hay chưa? Ông Hồ Xuân Sơn cho rằng, bên cạnh những thành tựu hết sức to lớn, vẫn còn một số trì trệ nhất định trong việc thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao về một số dự án hợp tác ở khu vực biên giới.
Ông dẫn chứng dự án “Một vành đai, hai hành lang”, đặc biệt là kết nối đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai với đường sắt Hà Khẩu – Côn Minh được nghiên cứu từ 2005, tới nay đã lỡ hẹn 20 năm vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, năm 2017, Trung Quốc đã hoàn thành đường sắt Nam Ninh – Côn Minh – Phòng Thành để ra vịnh Bắc bộ. Năm 2021, Trung Quốc hoàn thành đường sắt Côn Minh – Viên Chăn và không bao lâu nữa sẽ hoàn thành tuyến Viên Chăn – Băng Cốc để ra biển.
Cạnh đó, vấn đề khu kinh tế qua biên giới tại Lạng Sơn, Cao Bằng, hay hợp tác du lịch ở thác Bản Giốc (Cao Bằng), hay tàu thuyền qua lại tự do ở khu vực cửa sông Bắc Luân cũng được lãnh đạo hai bên nêu khá sớm, song tới nay vẫn chưa thể thực hiện được.
“Tôi đề nghị nhân dịp kỷ niệm lần này, ta nên kiểm điểm xem những dự án hợp tác nói trên đang vướng mắc ở đâu, nguyên nhân gì, giải quyết thế nào, sau đó trao đổi với phía Trung Quốc tìm biện pháp tháo gỡ, nhằm sớm mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên”, ông Sơn đề nghị.
Trong phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Lê Hoài Trung cũng nhấn mạnh tầm hệ trọng của việc giải quyết vấn đề biên giới trong mối quan hệ giữa hai nước. “Giải quyết tốt biên giới giúp thúc đẩy quan hệ. Ngược lại, có quan hệ tốt thì tạo thuận lợi giải quyết vấn đề biên giới”, ông Lê Hoài Trung nêu.
Ông Trung nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để củng cố biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. “Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nói mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện nay tốt đẹp như thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông”, ông Trung nói thêm.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Trung nhấn mạnh việc hiện đại hóa công tác quản lý cửa khẩu vì còn nhiều việc phải làm. Cạnh đó, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư đề nghị nghiêm túc nghiên cứu các đề xuất của phía Trung Quốc về cửa khẩu như vấn đề cửa khẩu thông minh, hay hợp tác du lịch tại thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng.
Đây cũng là các vấn đề được Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, đề xuất. Cơ quan này đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn tăng cường đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới, công trình giám sát, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Cùng đó, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối khu vực biên giới với nội địa, phát triển hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ kết nối qua biên giới Việt – Trung, cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, đưa khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc trở thành cửa ngõ giao thương giữa Trung Quốc và ASEAN.
Ngoài ra, hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý biên giới, cửa khẩu; nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác của lực lượng quản lý biên giới tại thực địa.
Với hợp tác du lịch thác Bản Giốc, cơ quan này đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng tích cực trao đổi, phối hợp với phía Trung Quốc để tiếp tục vận hành thí điểm khu cảnh quan thác Bản Giốc. Đồng thời, đề xuất và thống nhất kế hoạch, phương hướng vận hành chính thức khu cảnh quan thác Bản Giốc, sau khi kết thúc vận hành thí điểm ngày 15.9 tới đây.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/cuoc-dam-phan-toi-2-gio-sang-ve-bien-gioi-dat-lien-viet-trung-185240802121334507.htm