Đấu tranh với tội phạm mua bán người, Việt Nam đã chứng minh nỗ lực bằng những cam kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ, đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi loại tội phạm này.
Bộ đội biên phòng giải cứu thành công 5 công dân Việt Nam bị lừa bán ra nước ngoài tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh. (Nguồn: Biên phòng) |
Nhằm phòng, chống tội phạm mua bán người, Liên hợp quốc, các quốc gia Đông Nam Á và các tổ chức quốc tế đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như: Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC); Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước TOC; Nghị định thư về phòng, chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung cho Công ước TOC; Công ước về quyền trẻ em; Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em, buôn bán trẻ em, mua dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất…
Xây dựng một hệ thống pháp luật mạnh mẽ
Cùng với các nước trên thế giới và khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ký kết, tham gia các công ước, nghị định thư của Liên hợp quốc; thỏa thuận, tuyên bố, bản ghi nhớ của ASEAN, các nước trong khu vực; Hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước có liên quan về phòng, chống mua bán người.
Sự tham gia vào các điều ước này đòi hỏi Việt Nam không chỉ phải nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế mà còn phải mạnh mẽ thực thi luật pháp quốc gia, điều chỉnh chúng để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này được phản ánh qua những bước tiến cụ thể như:
Ngày 29/3/2011, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.
Ngày 29/12/2011, Chủ tịch nước đã ký quyết định phê chuẩn Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; và quyết định gia nhập Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Ngày 18/4/2013, Thủ tướng đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Ngày 13/12/2016, Chủ tịch nước đã ký quyết định phê chuẩn Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, Việt Nam đã tiến hành nhiều thay đổi quan trọng trong khung pháp lý của mình, đồng thời tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người.
Các bước tiến này không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế mà còn phản ánh sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống pháp luật mạnh mẽ để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.
Đáng chú ý, Việt Nam đã sửa đổi Luật hình sự và ban hành các văn bản pháp luật có liên quan (Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ; Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người…). Theo đó, Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã tăng cường quy định về tội mua bán người theo hướng phù hợp hơn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Đây là những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc thiết lập một khung pháp lý chuyên biệt nhằm phòng, chống tội phạm mua bán người. Các công cụ pháp lý này không chỉ xác định rõ các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người mà còn quy định về việc bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân mua bán người, từ việc giáo dục cộng đồng đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý và tâm lý xã hội.
Phiên giải trình ‘việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người ‘do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 8/5/2023. (Nguồn: Quốc hội) |
Kết quả tích cực
Với những nỗ lực nêu trên, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023), Việt Nam phát hiện, điều tra khoảng trên 2.400 vụ mua bán người/3.800 đối tượng, 5.700 nạn nhân.
Trong 10 năm qua, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng giảm đáng kể về số lượng vụ mua bán người, số đối tượng và số nạn nhân qua các năm, đặc biệt từ năm 2018 trở đi. Tỷ lệ trung bình của tội phạm mua bán người vào khoảng 240 vụ/380 đối tượng/570 nạn nhân/1 năm.
Nếu so sánh số liệu trung bình năm của 3 giai đoạn: Giai đoạn 3 năm (2011-2013) trước thời điểm ban hành Quyết định số 605 của Thủ tướng Chính phủ; Giai đoạn 5 năm (2014-2018); và Giai đoạn 5 năm (2019-2023), tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam đã có những thay đổi rất tích cực với tỷ lệ giảm rất cao (từ trung bình 480 vụ/năm xuống còn 120 vụ/năm).
Nhiệm vụ trọng tâm
Trước thực trạng mua bán người hiện nay, Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), khẳng định, lực lượng Cảnh sát hình sự luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm với nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Là lực lượng chủ công, xung kích, lực lượng Cảnh sát hình sự đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ của Luật Phòng, chống mua bán người, Chương trình phòng, chống mua bán người quốc gia. Tổ chức triển khai thực hiện, lồng ghép nội dung của Chương trình 130/CP với việc thực hiện các chỉ đạo của Đảng, nhà nước và ngành Công an trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Về công tác phòng ngừa, lực lượng Cảnh sát hình sự đã thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng. Cục Cảnh sát hình sự và lực lượng Cảnh sát hình sự địa phương đã trực tiếp tổ chức các cuộc truyền thông cộng đồng, các lớp tập huấn chuyên sâu và lồng ghép cho cán bộ các ngành, cho quần chúng nhân dân để nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống mua bán người.
Về công tác điều tra, truy tố và xét xử, lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng các ngành chức năng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; xây dựng và phối hợp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm; hằng năm, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng các nước có chung đường biên giới triển khai các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân.
Bên cạnh đó, các mặt công tác khác như tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng không ngừng được tăng cường và thực hiện hiệu quả. Qua đó góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
Đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước trong khu vực và có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán nhằm tranh thủ các nguồn lực cho công tác này và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng cũng phân công Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) là cơ quan thường trực phòng, chống mua bán người.
Thời gian qua, BĐBP đã tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người.
Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; giải cứu nạn nhân bị mua bán, nhất là phối hợp thực hiện các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Anh và Thái Lan; hợp tác với các đối tác quốc tế trong nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người cho cán bộ BĐBP, giải cứu, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán.
Chương trình “Truyền thông pháp luật về phòng, chống mua bán người và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động” nhằm trang bị tới hội viên, phụ nữ Thủ đô các kiến thức kỹ năng phòng, chống mua bán người, tháng 7/2023. (Nguồn: Hội LHPN) |
Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Là tổ chức chính trị-xã hội đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã, đang thực hiện tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia phòng ngừa mua bán người và tham gia tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Theo bà Lã Hồng Linh, Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, Trung ương Hội đã phối hợp tổ chức 20 cuộc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng với sự tham gia của hơn 7.400 hội viên phụ nữ, người dân và học sinh các Trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề tại 8 xã của 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Nội dung truyền thông tập trung cung cấp những kiến thức, thông tin về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người, góp phần nâng cao nhận thức, làm giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng thời, Hội LHPN các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến hội viên, phụ nữ và người dân cộng đồng kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, về di cư lao động an toàn, pháp luật về đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phối hợp tổ chức các cuộc truyền thông, trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữ; tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ luôn ý thức cảnh giác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em…
Đáng chú ý, vấn đề hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, bị mua bán trở về đã được đưa vào chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, cụ thể là “Đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội”.
Trên cơ sở Nghị quyết đã ban hành, hàng năm các cấp Hội thực hiện lên tiếng bảo vệ và tham gia giải quyết các vụ việc vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em; phát hiện phụ nữ bị bạo lực, bị mua bán trở về để hỗ trợ.
Cụ thể, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp chặt chẽ với chính quyền và Hội phụ nữ các cấp trong suốt quá trình hỗ trợ nạn nhân, bao gồm thời gian tạm lánh và theo dõi hồi gia khi trở về địa phương.
Có thể nói, Việt Nam đã huy động toàn lực; bao gồm các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, để tham gia cuộc chiến không khoan nhượng đẩy lùi tội phạm mua bán người. Sự phối hợp trong ngoài, nhịp nhàng, sự chung tay, góp sức của toàn dân đã thu về những kết quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.
Mặc dù vậy, cuộc chiến với tội phạm mua bán người được xác định là cuộc chiến “dài hơi” do tác động của tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bai-2-cuoc-chien-toan-luc-va-dai-hoi-voi-toi-pham-mua-ban-nguoi-279682.html