Kiev có lý do để tin tưởng “cuộc chiến ngân sách” giữa lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ hiện tại sẽ không ảnh hưởng đến việc Washington tiếp tục viện trợ Ukraine trong cuộc xung đột quân sự với Nga?
Tổng thống Ukraine Zelensky và phu nhân chụp ảnh chung với vợ chồng Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, ngày 21/9. (Ảnh: Tasos Katopodis/UPI) |
“Tình trạng ngân sách tạm thời của Mỹ sẽ không ngăn cản được dòng viện trợ đã được thỏa thuận trước đó cho Ukraine và Kiev đang làm việc với các đối tác Mỹ về các quỹ viện trợ mới”, đó là nội dung bài đăng mới nhất trên Facebook của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko.
Cụ thể, số tiền này dành khoảng 1,6 tỷ USD cho ngành công nghiệp quốc phòng, 1,23 tỷ USD hỗ trợ ngân sách trực tiếp, cũng như quỹ cho các dự án nhân đạo và năng lượng.
Đại diện Kiev nói thêm, việc chính phủ Mỹ đóng cửa có thể có tác động tiêu cực đến việc thực hiện các chương trình hiện tại ở Ukraine. Chính quyền Ukraine hiện đang làm việc với các đối tác Mỹ để đảm bảo rằng một biện pháp ngân sách mới của Mỹ sẽ được thông qua trong 45 ngày tới, bao gồm các quỹ mới để giúp Ukraine.
“Chúng ta đừng quên rằng, dù các cuộc thảo luận chính trị nội bộ liên quan tiến trình chính trị Mỹ đang diễn ra ở Mỹ. Nhưng sự ủng hộ dành cho Ukraine vẫn mạnh mẽ cả trong chính quyền Mỹ, cũng như trong cả hai đảng và lưỡng viện Quốc hội, quan trọng nhất là trong lòng người dân Mỹ”, ông Nikolenko tin tưởng.
Trong khi đó, dù Tổng thống Joe Biden ca ngợi thỏa thuận mà các nhà lập pháp Mỹ đạt được nhưng ông cũng thừa nhận việc thiếu nguồn tài trợ mới cho Ukraine, đồng thời cam kết rằng, Washington “sẽ không bỏ rơi” Kiev. Nhóm lãnh đạo lưỡng đảng tại Thượng viện Mỹ cũng hứa sẽ bỏ phiếu về việc bổ sung viện trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, đối với một số người ở Kiev, Mỹ có thể đã tránh được việc chính phủ đóng cửa nhưng việc thiếu đi nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine trong dự luật chi tiêu không khỏi khiến họ lo lắng.
Nói với phóng viên CNN, quân nhân Ukraine Volodymyr Kostiak phân tích, “Đây là những trò chơi nội bộ của Mỹ. Và Ukraine là con tin cho cuộc chiến nội bộ này. Nhưng lợi ích chiến lược của Mỹ lớn đến mức Ukraine là một phần trong đó”.
Do đó, quân nhân này vẫn tin, đấu tranh chính trị nội bộ không thể ảnh hưởng nhiều đến việc hỗ trợ Ukraine. Sẽ có một số trục trặc nhưng không đáng kể”.
Theo ông Kostiak, ”cuộc chiến giành nguồn tài trợ cho Ukraine là do thực tế chính trị của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, nhưng khả năng Washington sẽ ngừng tài trợ Ukraine là rất nhỏ”. Vị quân nhân này tin tưởng, Ngân sách Mỹ đã bị đình chỉ nhiều lần trong lịch sử nhưng chưa lần nào dẫn đến bất kỳ hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, ông không coi đây là vấn đề lớn đối với Ukraine.
Một số người khác cũng có niềm tin tương tự, rằng hiện ngân sách là vấn đề nội bộ của Mỹ, nhưng Washington “không thể” rút viện trợ hoàn toàn, dù sao thì sớm muộn cũng sẽ có viện trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, những người khác ở thủ đô Ukraine tỏ ra kém tự tin hơn – đặc biệt là khi sự hỗ trợ của Mỹ suy yếu dần sau gần 20 tháng xảy ra xung đột quân sự.
Một cuộc thăm dò của CNN vào tháng 8 cho thấy, hầu hết người Mỹ phản đối Quốc hội cho phép tài trợ bổ sung để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột của nước này, trong khi công chúng gần như chia rẽ về việc liệu Washington đã can dự đủ hay chưa.
Tình hình cho thấy đã có sự thay đổi trong công chúng. Cuộc thăm dò tương tự được thực hiện vào những ngày đầu của cuộc xung đột (2/2022), có tới 62% số người được khảo sát cho rằng, lẽ ra Mỹ nên làm nhiều hơn nữa cho Ukraine.
Sự chia rẽ đảng phái cũng ngày càng gia tăng kể từ cuộc thăm dò đó, với hầu hết các đảng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa hiện đang ở hai phía đối lập nhau trong các câu hỏi về vai trò của Mỹ ở Ukraine.
Tuy nhiên, phát biểu cùng Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, trước cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao EU tại Kiev đầu tuần này, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, ông tin việc cắt viện trợ mới cho Ukraine khỏi dự luật Quốc hội Mỹ thông qua cuối tuần qua chỉ là một “sự cố” chứ không phải là một sự thay đổi “có hệ thống” trong cách tiếp cận của Mỹ với Kiev.
Nhưng Cố vấn An ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov lại bày tỏ lo ngại về việc viện trợ cho đất nước của ông đã bị loại trừ trong dự luật chi tiêu của Quốc hội Mỹ. Ông này bình luận, “Nếu Mỹ là pháo đài dân chủ trên thế giới thì câu trả lời sẽ rõ ràng cho mọi người“.
Tháng trước, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Zelensky nhằm củng cố thêm nguồn viện trợ, Kiev đã cảnh báo rằng, họ thực sự cần sự hỗ trợ từ các quốc gia khác, bởi vì họ không thể làm điều đó một mình. Việc Washington giảm hỗ trợ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho mọi nỗ lực trong cuộc xung đột với Nga.
Mỹ là quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất và cũng dẫn dắt các đồng minh cùng hỗ trợ Kiev từ khi nổ ra xung đột với Nga hồi tháng 2/2022.
Quốc hội Mỹ tới nay phê duyệt 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó có 49,6 tỷ USD viện trợ quân sự, 28,5 tỷ USD viện trợ kinh tế, 13,2 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo và 18,4 tỷ USD để tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng của Mỹ nhằm duy trì nguồn cung vũ khí cho Ukraine.
Đến nay, dù có vấn đề gì xảy ra thì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn đặt niềm tin vào cam kết của ông Biden trong chuyến thăm Mỹ rằng, Washington sẽ duy trì hỗ trợ Kiev bất chấp phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa.