“GẦN MỰC THÌ ĐEN, GẦN ĐÈN THÌ RẠNG”
Với bóng đá hiện đại, cầu thủ đã bắt đầu tập luyện từ 5 – 6 tuổi và trong trường hợp trúng tuyển vào một trung tâm hay học viện bóng đá chuyên nghiệp, các em được ăn ở tập trung từ 10 – 11 tuổi, phải sớm xa gia đình, xa quê hương, sinh hoạt trong môi trường khép kín đặc thù. Khi chính thức bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp, ngoài việc tiếp xúc với môi trường bóng đá thuần túy, cầu thủ sẽ va đập nhiều hơn với xã hội bên ngoài và dĩ nhiên chịu ảnh hưởng của cả những mặt tích cực lẫn tiêu cực. Nếu được CLB giáo dục đâu ra đấy, được đào tạo văn hóa và ý thức tự bảo vệ tốt, các cầu thủ sẽ không dễ bị tác động bởi những thói hư tật xấu, những tệ nạn như cờ bạc, ma túy…
Nhưng với bê bối lớn vừa xảy ra ở CLB Hà Tĩnh, bóng đá VN lại phải chấp nhận thêm một thực tế đáng lo ngại khác. Đó là chính trong môi trường tưởng như chỉ bóng đá thuần túy, các cầu thủ lại bị lôi kéo, rủ rê liên quan đến các tiêu cực. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra vụ việc và nguy cơ bị tù tội của cả 5 cầu thủ là khó tránh khỏi. Một chuyên gia bóng đá nhận định: “Trong bê bối này, chưa có kết luận chính thức về việc ai rủ rê ai chơi ma túy mà có thể còn phải đợi họ khai trước tòa. Nhưng rõ ràng, đã có sự ảnh hưởng tiêu cực của các cầu thủ khi tập luyện và sinh hoạt với nhau. Lãnh đội không hay, HLV không bám sát thì đây là trường hợp điển hình của vế gần mực thì đen. Một tập thể mà có tới 5 cầu thủ dùng ma túy thì quá nhức nhối. Ai của đội là đèn để họ có thể noi gương, học tập đây”.
CLB PHẢI PHỐI HỢP CHẶT CHẼ VỚI PHỤ HUYNH
Giám đốc kỹ thuật CLB Đà Nẵng Phan Thanh Hùng cho biết: “Các cầu thủ trẻ có nhận thức chưa chín chắn. Đặc biệt là trong giai đoạn 18 – 20 tuổi, khi bắt đầu trưởng thành thì tò mò và muốn thử nhiều thứ. Do đó, đối với các VĐV trẻ, ngoài đào tạo chuyên môn thì vai trò của việc giáo dục đạo đức, văn hóa là rất quan trọng và cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Về công tác quản lý VĐV, bên cạnh việc triển khai cho các HLV đội trẻ để có nhiều biện pháp kiểm soát, CLB và bản thân các HLV cũng cần phải kết hợp với phụ huynh. Phía đội bóng thường xuyên khuyên bảo, kiểm tra, đồng thời phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý các em về mặt xã hội. Nhưng công tác giáo dục ở một đội bóng phải được tiến hành thường xuyên, tạo thành một nếp sinh hoạt bắt buộc phải có, để không chỉ cầu thủ trẻ mà cả những cầu thủ đã thành danh cũng được uốn nắn hằng ngày. Đừng nghĩ cầu thủ nhiều tuổi thì không cần giáo dục nữa. Suy nghĩ đó là sai lầm, dẫn đến những hệ lụy rất nghiêm trọng”.
Cựu danh thủ Trần Công Minh chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân ông: “Mỗi cầu thủ cũng cần tự rèn luyện một cách nghiêm túc. Luôn ý thức trong đầu rằng việc tập luyện và thi đấu là nhiệm vụ chính của cầu thủ. Cần xây dựng thời gian biểu mỗi ngày sao cho phù hợp. Thời gian rảnh thì phải giải trí lành mạnh. Nếu không tìm tới những môi trường không lành mạnh, dĩ nhiên sẽ không có cơ hội tiếp cận với những tệ nạn, những thói quen xấu sẽ không thể hình thành. Nếu không may trong đội bóng có người dính đến tệ nạn, thì cầu thủ khác phải tỉnh táo không bị lôi kéo, cũng có thể báo cáo ngay với lãnh đạo để có hình thức xử lý kịp thời, triệt để”.
ĐỪNG ĐỂ CÁC CLB “CÔ ĐƠN”
Sau mỗi sự vụ nghiêm trọng, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) luôn có văn bản mang tính răn đe, nhắc nhở đối với những thành viên có liên quan. Ví dụ, khi 5 cầu thủ đội Bà Rịa-Vũng Tàu bị khởi tố vì dàn xếp tỷ số vào tháng 2.2024 hay khi 5 cầu thủ đội Hà Tĩnh bị khởi tố, bắt giam vì ma túy, lãnh đạo VFF đã ký công văn, đề nghị lãnh đạo và ban huấn luyện các CLB cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường công tác quản lý, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tăng cường tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức, tuân thủ các quy định của pháp luật cho các cầu thủ. VFF cũng yêu cầu các CLB chủ động kiểm tra, phát hiện, cương quyết ngăn chặn các hành vi sử dụng chất cấm; chủ động phối hợp VFF, BTC giải, các cơ quan an ninh để phát hiện và cùng tham gia ngăn chặn. Các cầu thủ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với cá nhân, gia đình, CLB và xã hội; tự nâng cao nhận thức về tác hại và hậu quả việc sử dụng chất cấm; tuyệt đối không tham gia sử dụng chất cấm.
Tuy nhiên, sẽ là không khách quan nếu đổ hết trách nhiệm lên các CLB. Việc tạo ra môi trường thể thao lành mạnh là trách nhiệm chung của tất cả các cấp quản lý từ Bộ VH-TT-DL, Cục TDTT, VFF, Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) và cả sở ban ngành các địa phương có đội bóng. Một lãnh đạo VFF cho biết: “Vụ việc ở CLB Hà Tĩnh hay ở đội Bà Rịa-Vũng Tàu là lời cảnh tỉnh cho cả nền bóng đá VN. Đã đến lúc chúng ta cần sự tham gia đồng bộ từ các bên để tăng cường quản lý, phối hợp giáo dục nhận thức, kiểm tra và cương quyết ngăn chặn các hành vi tiêu cực, để các tệ nạn ở xã hội không xâm lấn vào môi trường bóng đá”. (còn tiếp)
Cũng theo quan chức VFF: “Phòng Y học VFF đang đề xuất phương án phối hợp với VPF và các CLB chuyên nghiệp để kiểm tra y tế đột xuất cũng như kiểm tra thường xuyên cầu thủ ở tất cả các đội bóng. Chúng ta phải xem đây là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, đều đặn và kiên quyết để ngăn chặn những sự việc xấu xí từ trong trứng nước”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dao-duc-cau-thu-viet-nam-cuoc-chien-lau-dai-khong-chi-cua-rieng-clb-185240516231217951.htm