Theo Bộ Công thương, ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường khoảng 142 tỉ USD và tăng hơn gấp đôi tới năm 2025, ước đạt 350 tỉ USD. Với tốc độ tăng trưởng thường xuyên cao cấp 1,5 – 2 lần so với GDP mỗi năm, bán lẻ luôn là ngành hấp dẫn và ngay cả trong lúc khó khăn vẫn có cơ hội cho những “tay chơi” có tầm nhìn, muốn tìm kiếm thị phần. Tuy nhiên trong và sau đại dịch Covid-19, kinh tế nói chung ảnh hưởng nặng nề, khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu đã phần nào ảnh hưởng đến toàn ngành.
Từ đầu 2023, bức tranh ảm đạm của thị trường ngành bán lẻ thiết bị di động, điện tử, điện lạnh gia dụng phản ánh rõ nét nhất những tác động đến thói quen chi tiêu của người dân. Nhằm kích cầu tiêu dùng, trong 6 tháng đầu năm, hàng loạt hệ thống đại lý, nhà phân phối hàng công nghệ liên tục tung ra các chiến dịch ưu đãi, giảm giá và kéo theo “cuộc chiến giá rẻ” trên diện rộng. Chiến lược cạnh tranh giá tới từng đồng bước đầu mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng về dài hạn sẽ gây hại cho toàn thị trường.
Theo ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc cấp cao khách hàng doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng FPT Retail, cuộc chiến giá rẻ về dài hạn sẽ là trò chơi Lose – Lose (cùng thua) của các bên tham gia. Lãnh đạo FPT Retail nhận định “giá” là yếu tố rất quan trọng trong kinh doanh. Người dùng luôn muốn mua sản phẩm với mức giá tốt, nhưng về phía nhà bán, càng giảm sâu sẽ càng “ăn” vào lợi nhuận – nguồn kinh phí dành cho các khoản đầu tư, tái đầu tư dịch vụ trước, trong và sau bán hàng.
“Khi các khoản đầu tư bị ảnh hưởng, người tiêu dùng sẽ thiệt về dài hạn. Một thiệt hại thứ hai mà ít người nghĩ đến: giả sử có một doanh nghiệp triệt hạ các đối thủ thành công sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, người tiêu dùng lại thiệt hại. Khi người tiêu dùng bị ảnh hưởng, công ty không có lợi nhuận, các nhà đầu tư cũng chịu thiệt hại”, ông Ngô Quốc Bảo phân tích.
Các nhà bán trong thị trường bán lẻ đua nhau phá giá làm thị trường trở nên không ổn định. Yếu tố này sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài dè dặt trong việc rót vốn dù bán lẻ là một trong 2 ngành hấp dẫn nhất tại Việt Nam trong mắt họ, bên cạnh lĩnh vực tài chính. Điều đó kéo theo hệ quả lớn là toàn thị trường lẫn cộng đồng đều chịu tổn thương. “Chúng tôi có chính sách giá linh hoạt để cạnh tranh, mang lại giá trị cho người tiêu dùng nhưng đường dài thì theo đuổi việc nâng cao trải nghiệm người dùng. Ví dụ trong giai đoạn khó khăn vừa rồi, công ty vẫn tiếp tục đầu tư cho dịch vụ khách hàng”, lãnh đạo FPT Retail nói.
Việc chơi “khô máu” giữa các đơn vị kinh doanh chỉ nhằm thể hiện bên nào rẻ nhất bị đánh giá là gây méo mó toàn thị trường. Một điều may mắn khi thị trường gần đây có dấu hiệu ấm lên, dần ổn định thì cuộc chiến giá cũng có phần hạ nhiệt. Tuy nhiên điều này có thể chỉ là nhất thời nếu các bên tham gia thị trường không thay đổi chiến lược vận hành để hướng đến mục tiêu bền vững trong dài hạn mà chỉ tập trung “xả kho, thu hồi vốn” thông qua các chương trình giá rẻ.
Để tránh lao vào cuộc chơi các bên cùng thua, ông Ngô Quốc Bảo cho rằng cần vận hành sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, từ nhà đầu tư, nhà cung cấp, nhà sản xuất, chủ cho thuê mặt bằng, cán bộ công nhân viên đến khách hàng, cộng đồng xã hội. Lấy ví dụ chính doanh nghiệp của mình, vị giám đốc cho biết FPT Retail nói chung và chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu nói riêng có điểm khác biệt để phát triển. Cụ thể, công ty không bao giờ chủ trương tận dụng lợi thế quy mô lớn để ép giá nhà cung cấp hay chủ cho thuê mặt bằng.
“Tôi từng đọc câu nói rằng các chi phí, chi đều phí. Chỉ có chi cho nhân viên là không phí. Tôi ủng hộ quan điểm đó”, ông Bảo chia sẻ. Với phương châm đó, FPT Retail vẫn tăng thêm 700 nhân viên trong khi nhiều doanh nghiệp khác phải tinh giản nhân sự để tiết kiệm chi phí vận hành.
Với các đơn vị cùng ngành trên thị trường, với quan điểm “buôn có bạn, bán có phường”, công ty xác định hướng cạnh tranh lành mạnh, tự phát triển mình để đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và các bên.