>>Bài 1:Chống hàng giả từ người tiêu dùng đến…nghệ sĩ
Cuộc chiến cam go chưa hồi kết
Trong năm 2022 và đến quý 1 của năm 2023, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian và phòng, chống dịch đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Đội quản lý thị trường số 1 đã kiểm tra phát hiện và xử lý hàng chục vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, phạt tiền trên 135 triệu đồng; tịch thu trên 2.710 sản phẩm. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm bị tịch thu trên 145 triệu đồng.
Các lô hàng gian, hàng nhái, hàng lậu… bị tiêu huỷ.
Trong số những vụ việc này, điển hình phải kể đến vụ kiểm tra và xử phạt túi mỹ phẩm tại Bưu điện Thanh Tùng, Ấp Cái Ngay, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi của bà Nguyễn Thị Diễm X. Bằng biện pháp điều tra, đội quản lí thị trường số 1 đã khiến đối tượng thừa nhận hành vi không đăng ký kinh doanh theo quy định và kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tịch thu 542 hộp mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định và phạt tổng giá trị hàng hóa là trên 44 triệu đồng.
Dù ra quân liên tục và vào cuộc sát sao nhưng các các cơ quan chức năng nói chung và Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập trong công tác đấu tranh chống hàng lậu, hàng gian, hàng nhái. Đầu tiên phải kể đến là công tác thu thập thông tin, phát hiện vi phạm đối với loại hình kinh doanh online qua các trang mạng xã hội (facebook, zalo…) gặp nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng kinh doanh thường không có cửa hàng, kho hàng mà chỉ sử dụng nơi ở và giới thiệu đặt hàng, lấy hàng ở nơi khác để giao cho người tiêu dùng. Phương thức, thủ đoạn hoạt động không mới nhưng tinh vi hơn, các đối tượng chia nhỏ số lượng hàng hóa rất khó phát hiện và xử lý. Thứ hai là phương thức thủ đoạn kinh doanh hàng lậu, hàng giả… tinh vi hơn.
Phần lớn hàng nhái, hàng lậu được phát hiện là mỹ phẩm, nước hoa.
Theo Cục trưởng Cục quản lí thị trường tỉnh Cà Mau – ông Huỳnh Vũ Phong cho biết: “Thời gian qua, tình hình hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,… diễn ra trên hầu hết các địa bàn nội tỉnh. Nổi lên là hoạt động kinh doanh các mặt hàng thời trang (giầy dép, quần áo, túi sách…) hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn, chứng từ, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cao điểm nhất là trong các dịp lễ, hội, tết…
“Gần đây chúng ta thấy hoạt động bán hàng qua mạng của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến đã quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giao dịch mua bán, sau đó thông qua các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng hóa nhằm tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra và xử lý. Các đối tượng lợi dụng hiểu biết hạn chế và tâm lý thích hàng ngoại, hàng giá rẻ của một bộ phận người dân để lừa bán các loại hàng hoá chưa được cấp phép lưu hành, hoặc nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… Đây là các loại hàng hoá có nguy cơ cao về mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng và quyền lợi người tiêu dùng”. Ông Phong cho biết thêm.
Quyết liệt chống hàng lậu, hàng gian thời 4.0
Cuộc đấu tranh chống hàng lậu, hàng gian… lan tràn không chỉ trong thị trường truyền thống mà còn ở trên mạng xã hội. Bởi việc lập một facebok, zalo… bán hàng là quá dễ dàng. Các đối tượng chỉ cần nhận địa chỉ và số điện thoại của khách là tiến hành giao hàng. Nếu có sự kiểm tra của cơ quan chức năng có thể ngay lập tức xóa các dấu vết một cách dễ dàng. Khách hàng vì cả tin và ham rẻ đã không ít người bị lừa, mua phải hàng kém chất lượng. Họ không biết trông cậy vào đâu hay gõ cửa cơ quan chức năng nào để lấy lại được sự công bằng. Tất cả chỉ có thể dựa vào sự thông thái, kiến thức của bản thân khách hàng trong việc nhận định sản phẩm tiêu dùng cho chính mình.
Để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, bên cạnh ý thức của người tiêu dùng cần nâng cao, sự vào cuộc của cơ quan chức năng phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Theo Cục Quản lý thị trường, trong thời gian tới đây, Cục tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; bám sát và tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh tăng cường kiểm tra kiểm soát ổn định thị trường; tập trung vào nhóm hàng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; phòng chống hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng nhái; tập trung phòng chống và xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; kiểm soát đối với hàng lậu, hàng cấm và các mặt hàng khác trên thị trường.
Cục Quản lí thị trường tỉnh Cà Mau kiểm tra và xử lý nhiều lô hàng nhái, hàng lậu…
Bên cạnh đó, Cục sẽ chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng thành viên Ban chỉ đạo 389, như Thanh tra Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Hải quan, Thuế, Công an… tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của ngành trong năm 2023 đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó quan tâm tạo môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, tuân thủ quy định của pháp luật, bình đẳng, thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp. Tăng cường phối hợp với các ngành tại địa phương kiểm tra, kiểm soát bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Ông Huỳnh Vũ Phong cho biết: Ngoài kiểm tra xử lý và xử phạt nghiêm minh, công tác tuyên truyền chống hàng hậu, hàng gian… cũng là một trong những hoạt động tiên quyết giúp người tiêu dùng nhận rõ nguồn gốc mặt hàng sử dụng và răn đe: “Chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách, các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, thương mại và tập trung tuyên truyền về các chế tài xử lý, các văn bản mới ban hành như: Luật số 67/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dung được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra công bố, công khai rộng rãi số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo từ người dân về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, tiến hành xác minh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”.
Cuộc chiến chống hàng lậu, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… giữa thời đại 4.0 sẽ còn nhiều gian nan và căng thẳng bởi những biến tướng khó lường và ngày càng tinh vi. Kết quả đang ở phía trước vì trông chờ vào ý thức của người tiêu dùng, lẫn sự vào cuộc quyết liệt cùng những biện pháp hiệu quả hơn của cơ quan chức năng trong giai đoạn tới./.
Lam Khánh