Xóa đói, giảm nghèo là chính sách quan trọng, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Là quốc gia đầu tiên và duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, những nỗ lực của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận như “một cuộc cách mạng” trong xóa đói, giảm nghèo, làm nên sự đổi thay trải đều và rộng khắp ở cả những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh nhất.
Xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cừa người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương quan tâm. Bên cạnh đó, với ý thức vươn lên của người dân, đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo tại nhiều địa phương đã có những bước đi hiệu quả.
Tại huyện biên giới Buôn Đôn của Đắk Lắk, cùng với cả nước, công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tại đây đã có những chuyển biến đáng khích lệ với nhiều kỳ vọng. Buôn Đôn có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 47%. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên đời sống còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Những năm gần đây, từ việc triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án chính sách, đời sống của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trước đây, gia đình bà H’Khưa HĐơh, tại buôn Jang Lành, xã Krông Na thuộc diện hộ nghèo, có ít đất sản xuất, chủ yếu làm nông, ai thuê gì làm nấy. Niềm vui đến vào năm 2017, khi gia đình bà được xã Krông Na hỗ trợ hai con dê trị giá 13 triệu đồng, đầu tư chuồng trại. Đến năm 2020, đàn dê đã phát triển lên 10 con. Nhận thấy nuôi bò thu lợi cao hơn, bà H’Khưa quyết định bán dê để nuôi bò. Năm 2023, gia đình bà đã thoát nghèo.
Gia đình ông Y Chít Niê, tại buôn Jang Lành cũng được UBND xã Krông Na hỗ trợ hai con bò giống để phát triển kinh tế vào năm 2022. Ông còn có thêm nguồn thu từ trồng 1 ha sắn (cây mì) để phát triển kinh tế. Mỗi năm, tổng số tiền gia đình kiếm được là khoảng 100 triệu đồng. Nhờ vậy, năm 2023, gia đình ông đã thoát nghèo.
Tỉnh Sóc Trăng có gần 1,2 triệu dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 35% dân số, tỷ lệ người Khmer nhiều nhất cả nước (với hơn 30,1% tương đương khoảng 362 nghìn người). Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Ông Danh Chum (người Khmer ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú) cho biết, gia đình ông từng thuộc diện hộ nghèo, nhà không có đất sản xuất, chỉ sống bằng nghề làm thuê, đời sống rất khó khăn. Năm 2022, được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà ở, bò sinh sản và vốn chuyển đổi ngành nghề buôn bán nhỏ nên đời sống gia đình ông dần được cải thiện.
Tại Lai Châu, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang lại diện mạo mới cho các vùng nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, đời sống người dân được nâng lên; nhiều hộ được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản; được phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương, các chính sách, chương trình giảm nghèo được tỉnh triển khai khá toàn diện, đầy đủ. Từ đó, tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững và có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Ngay từ khi lập nước cho đến giai đoạn xây dựng, đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định công tác xóa đói, giảm nghèo toàn diện, nâng cao đời sống nhân dân là yêu cầu cấp bách, một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của quá trình phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Từ thực tế chất lượng cuộc sống của con người liên quan đến nhiều khía cạnh khác ngoài thu nhập, năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều. Theo đó, xác định chuẩn nghèo mới với các tiêu chí thoát nghèo cao hơn theo các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, đưa Việt Nam đã trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh.
Việc sử dụng chuẩn nghèo quốc gia không những cần thiết cho việc xây dựng các chính sách, chương trình giảm nghèo và công tác giám sát nghèo ở Việt Nam, mà còn giúp Việt Nam theo dõi tiến độ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG).
Từ đó đến nay (giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025), giảm nghèo đã trở thành một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 – 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 – 5%/năm… Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo đặc thù, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn cũng đã được ban hành, qua đó tạo điều kiện hỗ trợ cho từng đối tượng cụ thể.
Triển khai các chương trình trên, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; ban hành hệ thống khung khổ pháp lý triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững về các tiêu chí xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tiêu chí hộ thoát nghèo, huyện, xã, thôn bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn… Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn nghèo, xã nghèo qua các giai đoạn; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đặc thù của địa phương; triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, kết hợp giải quyết tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội…
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để giám sát và thực hiện công tác giảm nghèo. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức chương trình truyền hình, truyền thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, để vận động nguồn lực ủng hộ người nghèo vào dịp Tháng cao điểm vì người nghèo (17/10 – 18/11) và Ngày vì người nghèo (17/10).
Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn, tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với những giai đoạn trước. Theo đó, các biện pháp giảm nghèo mới ngày càng chú trọng mục tiêu không chỉ giúp hộ nghèo đủ cơm ăn, áo mặc mà còn bảo đảm để người dân tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin. Chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ “cho không” sang hỗ trợ có điều kiện. Trong khi đó, địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước.
Hằng năm, Việt Nam dành một nguồn lực lớn để đầu tư hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, được huy động từ nguồn vốn trung ương, vốn xã hội hóa hỗ trợ an sinh xã hội của các địa phương và vốn ủng hộ từ Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao đáng kể. Năm 1993, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 185 USD, thì đến nay, con số này là khoảng 4.650 USD. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tiếp tục giảm 1,1% so với năm 2022, còn 2,93%. Năm 2023, có đến 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã thoát nghèo thành công. Tại nhiều tỉnh, thành phố, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn lõi nghèo có sự cải thiện đáng kể. Đặc biệt, có hàng trăm hộ nghèo chủ động viết đơn xin thoát nghèo và nhường quyền hỗ trợ cho hộ khác và tự mình vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, làm thay đổi diện mạo nông thôn và cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân, như: điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà văn hóa… Chính sự “thay da, đổi thịt” của nhiều địa phương đã phản ánh sinh động sự chung sức, đồng lòng của Đảng, Nhà nước và nhân dân vì người nghèo với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Như thế, từng nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới, nhưng qua mấy thập kỷ, Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Từ năm 1989 tới năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm hơn 58%, thì đến năm 2021, con số này là 2,23%. Như vậy trong vòng hai thập kỷ, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố ngày 15/7/2023, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm. Trước đó, tháng 4/2022, trong Báo cáo “Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp – Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022”, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận định “Những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975 tới nay gần như không có tiền lệ”.
Những thành quả về xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam trong thời gian qua đã được nhân dân cả nước ghi nhận, cộng đồng quốc tế thì đánh giá, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam như “một cuộc cách mạng”, làm thay đổi bộ mặt xã hội và đời sống nhân dân từ những vùng xa xôi hẻo lánh nhất. Đây là một trong những thành công nổi bật nhất, thể hiện ý nghĩa nhân văn của Việt Nam trong mục tiêu phát triển bền vững của đất nước và thực hiện công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Bài: Thu Hạnh – Nguyễn Dũng – Việt Dũng – Tuấn Phi (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà
Nguồn:https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/cuoc-cach-mang-xoa-doi-giam-ngheo-20241101095443216.htm