Đã 7 tháng kể từ ngày HLV Philippe Troussier tiếp quản chiếc ghế nóng của đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam, những tranh cãi xung quanh cuộc cách mạng mà ông và các cộng sự đang thực hiện cho bóng đá Việt Nam vẫn chưa chấm dứt.
Nhưng có một điểm ngày càng thể hiện rõ nét, đó là chiến lược gia có biệt danh “Phù thủy trắng” đang ngày càng mạnh tay trong chiến lược trẻ hóa, dám gạt bỏ áp lực thành tích để trao cơ hội tối đa nhằm bổ sung những nhân tố mới cho đội tuyển Việt Nam.
Đó là sứ mệnh vất vả nhưng dũng cảm, khi ông Troussier không những phải xóa đi dấu ấn – hoặc như nhiều người gọi là thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm – mà còn phải nâng cấp lối chơi cho các đội tuyển quốc gia theo hướng hiện đại, tân tiến và hiệu quả lâu dài cho bóng đá Việt Nam.
Thực tế, quay trở lại 5 năm trước thì HLV Park Hang-seo cũng đã thực hiện công việc tương tự. Sau trận ra mắt hòa Afghanistan 0-0 để đoạt vé dự Asian Cup 2019, ông đã tận dụng cú hích từ giải giao hữu M150 và sau đó là ngôi á quân giải U.23 châu Á 2018 lịch sử để làm mới đội tuyển quốc gia.
Bản thân ông Park khi đó nhiều lần cho biết bị thuyết phục và kích thích bởi khao khát nâng tầm cho lứa cầu thủ tài năng đặc biệt của bóng đá Việt Nam, truyền chất thép kỷ luật vào đôi chân của các nghệ sĩ để trở thành một tập thể can trường, rất khó bị đánh bại.
Phần còn lại là lịch sử, khi các cầu thủ U.23 Việt Nam nhanh chóng trở thành bộ khung chính của đội tuyển quốc gia, được bổ sung những nhân tố chất lượng như Ngọc Hải, Văn Lâm, Huy Hùng, Trọng Hoàng… đoạt chức vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019 và vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Sau khi ông Park rời đi, chiến lược gia 68 tuổi Philippe Troussier tiếp quản ghế nóng bằng một khát khao đặc biệt, chấp nhận thách thức và rủi ro về một thất bại có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của mình.
Có khác, trong tay ông ngoài bộ khung và tư duy hằn sâu cách chơi phòng ngự phản công, lớp kế cận của bóng đá Việt Nam là 2 lứa cầu thủ kế tiếp có chất lượng kém hơn nhiều so với khởi đầu của thời ông Park.
Điểm lại lứa cầu thủ sinh năm từ 1999 đến 2002 của bóng đá Việt Nam, không khó nhận ra rất ít cái tên hiện tại đủ khả năng đóng góp lớn cho đội tuyển Việt Nam ngoại trừ vài cái tên ít ỏi như Thanh Bình, Việt Anh, Tuấn Tài.
Không có sẵn cả một lứa tài năng để ráp vào đội tuyển quốc gia, HLV Troussier buộc phải chọn giải pháp dài hơi hơn – nhưng rất cách mạng – là tổ chức sàng lọc trên quy mô lớn như ông mô tả là từ “17 tuổi đến 28 tuổi”.
Cuộc sàng lọc khổng lồ này không chỉ diễn ra ở cấp độ đội tuyển quốc gia, mà còn được tiến hành với sự đồng bộ chưa từng có từ đội U.17 – U.18 Việt Nam đến U.22 – U.23 và đội tuyển Olympic Việt Nam, với sự hợp sức và hợp tác của HLV Hoàng Anh Tuấn.
Từng chút một, sau 7 tháng trời ông Troussier đang cấy dần từng bước những tài năng trẻ mới tuổi 18 – 20 như Đình Bắc, Văn Khang, Văn Cường, Thái Sơn hay “già” hơn một chút là Văn Tùng, Tuấn Tài vào đội tuyển Việt Nam.
Rõ ràng nếu so ra thì công việc của ông Troussier vất vả hơn so với ông Park.
Việc trẻ hóa lực lượng diễn ra đồng thời với việc sàng lọc những cái tên kỳ cựu, thổi bùng lại lửa khát vọng của những chàng trai trẻ còn đói danh hiệu 5 năm trước, nay đã có vợ con, kinh tế và danh tiếng đều đã ổn định.
Tất nhiên, nỗ lực nào cũng đáng quý. HLV Park Hang-seo đã nhận được sự trọng vọng xứng đáng khi mở ra chương thành công nhất của bóng đá Việt Nam. HLV Philippe Troussier cũng sẽ cần thành tích để minh chứng cho hiệu quả cuộc cách mạng mà ông và các cộng sự đang miệt mài thực hiện.
Phần việc của ông Philippe Troussier chỉ mới bắt đầu, rất vất vả và lắm gian nan. Nhưng “đại công trường” này xứng đáng để kỳ vọng khi có tính đồng bộ cao, hướng đến cách chơi bóng chủ động hiện đại hơn, như báo chí quốc tế ví von là phiên bản mới của Barca, Nhật Bản.
Tin rằng người hâm mộ sẽ ủng hộ “người truyền giáo” 68 tuổi gạt bỏ rủi ro danh tiếng để được cống hiến cho bóng đá Việt Nam, với quan điểm cấp tiến rất rõ ràng tiếp tục tạo ra một đội tuyển Việt Nam giàu khát vọng, dám chơi bóng để vươn tầm vào tốp đầu châu Á.