Gần 3 tuần sau một phong trào dẫn đầu bởi cuộc biểu tình ở Đại học Columbia (Mỹ), căng thẳng tiếp tục gia tăng trong các cuộc biểu tình tại nhiều trường đại học trên khắp Bắc Mỹ. Và đến nay, làn sóng biểu tình tiếp tục lan rộng khắp châu Âu.
Một số trường đại học đã ngay lập tức trấn áp các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến của Israel ở Gaza. Một số nhóm biểu tình chấp nhận phá dỡ loạt lều trại, trong khi một số có dấu hiệu bạo lực, buộc cảnh sát phải can thiệp vì an ninh trong trường.
Kể từ ngày 18/4, đã có hơn 2.600 người bị bắt tại 50 trường học, số liệu dựa trên tuyên bố từ các trường và cơ quan thực thi pháp luật.
Cảnh sát Đức đã giải tán cuộc biểu tình của hàng trăm nhà hoạt động ủng hộ Palestine chiếm giữ một sân trong Đại học Tự do Berlin. Người biểu tình dựng khoảng 20 lều, hầu hết đều quấn khăn keffiyeh và che mặt bằng khẩu trang y tế, hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Palestine. Cuộc biểu tình bao gồm các sinh viên từ nhiều trường đại học ở Berlin và các cá nhân khác.
Ban giám hiệu cho biết đã gọi cảnh sát sau khi những người biểu tình từ chối đối thoại và một số người cố gắng chiếm giữ các giảng đường. Cảnh sát sau đó được nhìn thấy bắt giữ một số người và sử dụng bình xịt hơi cay khi xô xát xảy ra.
Hiệu trưởng Guenter Ziegler cho biết: “Đây là hoạt động không được chấp nhận trong trường Đại học Tự do Berlin. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại học thuật, nhưng không phải theo cách này”.
Tại thành phố Leipzig phía đông nước Đức, khoảng 50 người biểu tình ủng hộ Palestine đã dựng lều tại Đại học Leipzig và chiếm giữ một giảng đường. Hiệp hội sinh viên bang Saxony (có trụ sở tại Leipzig) đã kêu gọi trường đại học chấm dứt hoạt động biểu tình vì lo ngại về sự an toàn của sinh viên Do Thái và Israel.
Tại Đại học Amsterdam (Hà Lan), người biểu tình tiếp tục chiếm giữ một tòa nhà vài giờ sau khi cảnh sát bắt 169 người tại một trại biểu tình khác trong trường. Hai người vẫn bị giam vì nghi có hành vi bạo lực nơi công cộng. Cảnh sát cho biết đây là việc cần thiết để lập lại trật tự sau khi các cuộc biểu tình trở nên bạo lực.
Trong một tuyên bố, Đại học Amsterdam cho biết: “Chúng tôi chia sẻ sự phẫn nộ về cuộc chiến, và chúng tôi hiểu rằng có những người phản đối cuộc chiến này. Chúng tôi nhấn mạnh rằng trong trường đại học, đối thoại là cách duy nhất”.
Tuy nhiên, không phải tất cả trường học đều ngăn cản sinh viên biểu tình. Một số trường cho phép tổ chức các cuộc biểu tình và dựng trại nếu phù hợp, đúng quy định của trường.
Hiệu trưởng Đại học Wesleyan ở Mỹ đã ca ngợi cuộc biểu tình trong trường, bao gồm cả việc dựng trại ủng hộ người Palestine, như một hành động thể hiện quan điểm chính trị. Trại ở đây đã tăng từ khoảng 20 trại một tuần trước lên hơn 100.
Hiệu trưởng Michael Roth cho biết: “Mục đích quan trọng của những người biểu tình là thu hút sự chú ý đến việc sát hại những người vô tội. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo không gian để mọi người thực hiện mục đích đó, miễn là không gian này không gây gián đoạn cho hoạt động của trường”.
Ở Anh, các trại biểu tình ủng hộ Palestine đã mọc lên tại khoảng chục trường đại học, bao gồm cả Oxford và Cambridge. Những người biểu tình yêu cầu trường công khai toàn bộ các khoản đầu tư, cắt đứt quan hệ học thuật với Israel và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp liên kết với nước này.
Một tuyên bố chung của những người biểu tình tại hai trường đại học cho biết: “Lợi nhuận của Oxbridge (nhóm hai trường đại học Oxford và Cambridge) không thể tiếp tục tăng lên với cái giá phải trả là mạng sống của người Palestine, và danh tiếng của Oxbridge không nên được xây dựng dựa trên việc minh oan cho tội ác của Israel”. Hơn 200 học giả Oxford đã ký một bức thư ngỏ ủng hộ các cuộc biểu tình.
Ở Phần Lan, hàng chục người biểu tình dựng trại bên ngoài tòa nhà chính của Đại học Helsinki, nói rằng họ sẽ ở đó cho đến khi trường đại học này, cơ sở học thuật lớn nhất Phần Lan, cắt đứt quan hệ học thuật với các trường đại học Israel.
Ở Đan Mạch, sinh viên dựng trại ủng hộ Palestine tại Đại học Copenhagen. Trường đại học cho biết sinh viên có thể phản đối nhưng kêu gọi họ tôn trọng các quy định của trường.
Tại Ý, sinh viên Đại học Bologna, một trong những trường đại học lâu đời nhất thế giới, đã dựng lều trại vào cuối tuần qua để yêu cầu chấm dứt xung đột ở Gaza. Các nhóm sinh viên đã tổ chức các cuộc biểu tình tương tự và phần lớn là biểu tình ôn hòa ở Rome và Naples.
Ở Tây Ban Nha, hàng chục sinh viên đã dành hơn một tuần tại khu cắm trại ủng hộ Palestine ở Đại học Valencia. Các trại tương tự được dựng lên hôm 6/5 tại Đại học Barcelona và Đại học xứ Basque. Một nhóm đại diện cho sinh viên các trường đại học công lập ở Madrid tuyên bố sẽ đẩy mạnh biểu tình trong những ngày tới.
Tại Paris, các nhóm sinh viên kêu gọi tập trung lại để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine vào cuối ngày 7/5.
Hoài Phương (theo AP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/cuoc-bieu-tinh-sinh-vien-ung-ho-palestine-tiep-tuc-lan-rong-gay-kho-cho-cac-truong-dai-hoc-post294634.html