Vượt lên nỗi đau
Từng là người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông Trần Ngọc Khám (quê gốc Nam Ðịnh) đã cùng đồng đội ở Sư đoàn 320, trực thuộc Bộ Quốc phòng, kiên gan với quân thù. 8 năm tham gia kháng chiến, khi trở về với gia đình, ông đã mang trong mình chất độc dioxin quái ác mà không hề hay biết.
Rồi 4 năm sau đó, vợ chồng cùng 2 con rời quê hương Nam Ðịnh vào ngụ Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời xây dựng vùng kinh tế mới. Khi vào đây, với tinh thần bền chí của người lính Cụ Hồ, vợ chồng ông đã chịu thương, chịu khó, tăng gia sản xuất. Mặc dù sau đó phát hiện mình bị nhiễm chất độc da cam, sức khoẻ bị ảnh hưởng nhưng ông vẫn quyết tâm bám đất, bám vườn để lập nghiệp và xây dựng được cơ ngơi khang trang như hôm nay.
Ông Khám chia sẻ: “Lúc mới vào đây, khó khăn lắm. Ðến năm 1986, Nhà nước có phân chia ruộng cho từng hộ gia đình, nên vợ chồng cố gắng trồng lúa. Hơn 10 năm nay, bắt đầu đưa màu xuống ruộng. Cứ vừa gần thời điểm thu hoạch lúa thì xuống giống bí rợ. Tới cắt lúa xong thì dây bí đã bò xuống ruộng. Rồi 4 tháng thu hoạch bí xong, sẽ cày đất chuẩn bị cho vụ mùa mới. Tuy vụ bí chăm sóc cũng vất vả nhưng trồng bí lãi cao hơn cả lúa”.
Vượt qua nỗi đau da cam, ông Trần Ngọc Khám chịu thương chịu khó trồng lúa, hoa màu, đem về thu nhập cao.
Cứ như thế, mỗi năm 2 vụ lúa, 1 vụ màu trên 4 ha đất, gia đình thu về hàng trăm triệu đồng. Không những thế, trên mảnh vườn, ông còn trồng đủ các loại cây ăn trái, dưới ao thả cá…
Với địa phương, ông Khám là một Bí thư chi bộ gương mẫu liên tục 20 năm nay. Tính tình cương nghị, hay giúp đỡ mọi người, ông được người dân tín nhiệm, thương yêu. Hiện tại, các con ông trở thành công dân hữu ích, có người là giáo viên, có người tham gia ấp đội.
Ông Khám tâm nguyện: “Trước đây mình từng hy sinh bản thân để đấu tranh giành độc lập thì chuyện lao động này đâu có nề hà gì. Chỉ thương 2 thằng con ảnh hưởng chất độc da cam từ tôi. Xót xa nhất là thằng út ngờ nghệch suốt đời”.
Người con út của ông năm nay đã ngoài 30 tuổi, nhưng ánh mắt, gương mặt vẫn ngơ ngác như trẻ mới lên ba. Vợ ông kể: “Khi vào đây, tôi sinh cho ổng thêm 3 đứa con thì 2 đứa bị nhiễm chất độc da cam. Cho đến bây giờ, dù ngoài 30 tuổi nó vẫn chưa thể tự sinh hoạt cá nhân được. Thằng anh nó cũng bị thần kinh giựt méo miệng nhưng nhẹ hơn, nên không hưởng chính sách”.
Xót xa hình ảnh người con út của ông Trần Ngọc Khám bị ảnh hưởng chất độc hoá học của cha mà mất đi năng lực của một đứa trẻ bình thường.
Ông Lâm Văn Chánh, Ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, là nạn nhân da cam ảnh hưởng từ người cha đi kháng chiến. Chính chất độc vô hình đó đã làm đôi chân của ông bị dị tật từ khi còn nhỏ. Thế nhưng, với truyền thống gia đình cách mạng, 47 năm qua, nỗi đau về thể xác không làm chùn bước ông.
Chỉ 3 công ruộng, ông Chánh với đôi chân tật nguyền, đi lại khó khăn nhưng cùng vợ tích cực canh tác, rồi đi cắm câu giăng lưới, chèo xuồng bán gạo dành dụm nuôi con ăn học ra nghề.
“Hồi đó mình không được học hành bao nhiêu, ham nhất là con chữ, nên làm được bao nhiêu tiền tích góp tôi đều dành chăm lo cho con ăn học; vì thế mà không dư dả tài sản nhiều, chỉ mua được 6 công đất. Nhưng mừng nhất là 3 đứa con, không đứa nào bị tật giống cha nó”, ông Chánh bày tỏ.
Bị ảnh hưởng chất độc da cam từ cha mình, ông Lâm Văn Chánh, Ấp 10B xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, phải mang đôi chân tật nguyền suốt đời, nhưng vẫn cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế.
Rất cần những tấm lòng nhân ái
Xác định chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam (NNCÐDC) là việc làm thường xuyên, vừa khẩn trương, cấp bách, vừa lâu dài, ngày 7/6/2005, Hội NNCÐDC/Dioxin tỉnh Cà Mau được thành lập. Ðến nay, hệ thống hội được thành lập ở tất cả 101/101 xã, phường, thị trấn, sẵn lòng chia sẻ những khó khăn, thiệt thòi, nhu cầu cần giúp đỡ của nạn nhân, gia đình nạn nhân.
Ngoài việc hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chế độ chính sách, các cấp hội đã chủ động, tích cực, linh hoạt trong công tác vận động tạo nguồn vật chất để chăm sóc NNCÐDC. Kết quả từ khi thành lập đến nay, hội đã tiếp nhận hàng ngàn lượt tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ giúp đỡ tiền quà, vật chất hơn 120 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2018-2023 là 59 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, đã vận động được trên 10 tỷ đồng.
Theo ông Hùng, toàn tỉnh hiện có 4.873 người là NNCÐDC được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Trong đó, hoạt động kháng chiến 3.134 người, con đẻ của người hoạt động kháng chiến 1.559 người, với mức hỗ trợ dao động từ 947 ngàn đến 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thân nhân người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, hưởng trợ cấp tuất hàng tháng là 180 người, với mức 974 ngàn đồng/tháng; người khuyết tật đặc biệt nặng được trợ cấp hàng tháng là 5.644 người. Tuy nhiên, qua rà soát, hiện nay còn 434 cháu, 36 chắt của người hoạt động kháng chiến là NNCÐDC chưa được hưởng chính sách.
Tỉnh Cà Mau hiện có trên 17 ngàn người là nạn nhân của chất độc hoá học. Mặc dù được các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và Hội NNCÐDC/Dioxin các cấp quan tâm giúp đỡ, nhưng phần lớn hoàn cảnh của họ quá ngặt nghèo, thiếu thốn từ nhà ở đến sinh hoạt đời sống hàng ngày, đối mặt với bệnh tật, ốm đau. Nhiều gia đình không có một người khoẻ mạnh, họ cố hết sức để bươn chải cho cuộc sống, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.
“Có lẽ trong chúng ta ai cũng thấu hiểu nỗi đau triền miên của NNCÐDC/Dioxin. Chính vì vậy, rất cần những tấm lòng nhân ái, chung tay chia sẻ, giúp đỡ để họ có cơ may hoà nhập cuộc sống cộng đồng”, ông Nguyễn Xuân Hùng kêu gọi.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ngoài số lượng bom đạn đã sử dụng, quân đội Mỹ còn rải trên 80 triệu lít hoá chất có 61% là chất độc da cam, chứa 366 kg Dioxin. Ðây là chất kịch độc chưa từng có từ trước tới nay. Chúng nguỵ biện, che đậy dưới danh nghĩa “chất khai hoang”, “chất diệt cỏ”. Chúng đã tiến hành 19.905 phi vụ phun rải chất độc hoá học trong suốt 10 năm (từ 1961-1971), xuống 1/4 diện tích đất của miền Nam, Việt Nam. Riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, chúng đã thực hiện 466 phi vụ, rải trên 2,6 triệu lít chất độc hoá học, tàn phá 82.143 ha rừng, đồng ruộng và khiến 17.939 người bị bị nhiễm chất độc hoá học. |
Hồng Nhung