Các khó khăn, biến động của kinh tế đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Sản xuất, kinh doanh suy giảm, nhiều DN sa thải công nhân hoặc cho sản xuất cầm chừng nên cũng tác động đến một số ngành dịch vụ hỗ trợ, trong đó có cung ứng suất ăn công nghiệp.
Chế biến thực phẩm tại một đơn vị cung ứng suất ăn công nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia |
Theo các DN chuyên cung ứng suất ăn công nghiệp trên địa bàn, lượng suất ăn cung cấp tại nhiều đơn vị đã giảm từ 30-50%. Ngành dịch vụ này đang kỳ vọng tình hình của các đối tác sớm tươi sáng trở lại để gia tăng thêm nhu cầu cung ứng
suất ăn.
* Gặp khó theo đối tác
Theo nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ suất ăn công nghiệp trên địa bàn tỉnh, chưa bao giờ thị trường khó khăn như hiện nay. Trong nhiều giai đoạn khó khăn trước đây thì trứng, loại thực phẩm thiết yếu và rẻ, vẫn luôn đắt hàng; thế nhưng hiện nay ước tính doanh số bán hàng đều giảm. Trong đó, ế ẩm nhất là hợp đồng cho các DN sản xuất phục vụ bữa ăn cho người lao động. Nhiều đơn vị buộc phải cắt giảm các loại chi phí và tái cơ cấu lại hoạt động khi nhu cầu của các đối tác giảm sút.
Bên cạnh lượng suất ăn cung ứng giảm thì các yếu tố đầu vào vẫn cao; đơn cử như việc tăng giá điện cũng sẽ phần nào gây thêm khó khăn cho DN.
Theo Giám đốc Công ty CP Quốc tế Phương Đông Đào Văn Hợp, chi phí gia tăng nhưng DN vẫn phải đảm bảo giá cả ở mức vừa phải nhằm giữ chân khách hàng, bởi trong thời buổi cạnh tranh cao, nhu cầu yếu, chỉ một DN, đơn vị ngưng sử dụng dịch vụ cũng gây ra vấn đề lớn.
Chủ một DN cung ứng suất ăn công nghiệp tại H.Long Thành cho hay, công ty ông ký hợp đồng cung cấp suất ăn cho nhiều nhà máy trong khu vực, trong đó có một số DN sản xuất gỗ. Sự suy giảm thị trường xuất khẩu đã khiến cho một đối tác ngành gỗ của DN này hoạt động cầm chừng với số lượng nhỏ công nhân, khiến cho ông cũng buộc phải giảm số lượng suất ăn cung ứng. “Nhìn chung, các ngành nghề đều như nhau, khu vực sản xuất xuống thì khu vực dịch vụ cung cấp chuỗi hậu cần cho sản xuất cũng vì thế bị ảnh hưởng” – vị này chia sẻ.
* Nâng chất lượng dịch vụ và mong đợi sự phục hồi của thị trường
Không chỉ đơn vị chế biến trực tiếp suất ăn công nghiệp mà các đơn vị chuyên cung cấp nguyên, vật liệu cũng mất đi một lượng hàng cho dịch vụ này. Chủ một cơ sở chuyên cung cấp thực phẩm, rau củ quả ở H.Trảng Bom cho biết, ông có một số khách hàng là những đơn vị cung ứng suất ăn công nghiệp. Trong những tháng gần đây, lượng hàng giao cho các DN cung cấp suất ăn giảm dần, nên ông phải nỗ lực tìm thêm các kênh tiêu thụ khác.
Về phía các đơn vị cung ứng suất ăn, Giám đốc Công ty TNHH Aqua Sky Line
(TP.Biên Hòa) Đặng Đức Thắng cho rằng, không cách nào khác, các DN trong ngành phải nỗ lực để thích nghi. Có những đối tác của ông giảm đến 50% suất ăn. Ngoài việc phải nâng chất lượng suất ăn, giữ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì sự tồn tại của công ty đòi hỏi phải nỗ lực quảng bá hình ảnh, tìm thêm đối tác mới, đặc biệt là cả với những đơn vị nhỏ, vài chục suất cũng là cứu cánh trong thời buổi hiện nay.
Ông Đào Văn Hợp cho biết thêm, đối với nghề cung ứng suất ăn công nghiệp, điều quan trọng là phải đảm bảo được chất lượng bữa ăn giữa ca cho người lao động. Để giữ chữ tín, các đơn vị phải thật sự nghiêm túc trong vấn đề này, ngay cả với DN của ông cũng có những đơn vị tìm hiểu, đặt vấn đề cung ứng suất ăn với giá thành thấp, nhưng như vậy thì không đảm bảo sức khỏe của người lao động nên DN đã không hợp tác. Chỉ khi người chủ sử dụng lao động quan tâm đến nhân viên, trong đó có vấn đề thực phẩm, bữa ăn giữa ca thì mới có sự phát triển bền vững, bởi họ là vốn quý nhất đối với bất cứ DN nào.
Các DN mong muốn chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ phần nào có thể kích thích mức tiêu thụ trên thị trường. Nhưng cần thiết phải thực hiện nhanh và hiệu quả hơn. Đồng thời, Nhà nước cần thêm các chính sách hỗ trợ khác như: giảm thuế thu nhập DN, lãi vay ngân hàng… giúp các DN sản xuất thêm nguồn lực phục hồi, từ đó dịch vụ cung ứng suất ăn cũng thuận lợi hơn.
Văn Gia
.