– Trong chăn nuôi, con giống đóng vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi. Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh hiện nay, việc chủ động về con giống vật nuôi lại đang gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, để duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh cần hơn 300 nghìn con lợn giống; 8 triệu con gà giống và 2 triệu con vịt giống. Tuy vậy, số lượng con giống cung ứng của nội tỉnh chỉ được khoảng 40% so với nhu cầu thực tế. Trong đó, nguồn cung ứng lợn giống chỉ được khoảng 100 nghìn con/năm, gà giống được 2 triệu con/năm, vịt giống được hơn 500 nghìn con/năm; trâu, bò giống gần như không có nguồn cung ra thị trường.
HTX Thành Lộc (xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình) thực hiện thụ tinh nhân tạo để nhân giống gà 6 ngón Mẫu Sơn
Trao đổi với lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 22 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, trong đó phần lớn là trang trại chăn nuôi bò và gà, lợn (trang trại lợn quy mô nuôi từ 1.500 – 2.500 con; trang trại nuôi gà quy mô từ 10 – 15 nghìn con). Những trang trại chăn nuôi quy mô lớn này đều thực hiện sản xuất con giống nhưng tất cả những trang trại này đều đã thực hiện liên kết sản xuất từ khâu cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm… cho những công ty chăn nuôi lớn ở những tỉnh khác trên toàn quốc, vì vậy không thể cung ứng con giống ra ngoài thị trường bán cho các hộ chăn nuôi.
Chia sẻ vấn đề này, anh Lưu Quang Vũ, quản lý Hợp tác xã Lùng Khoang (xã Bình Phúc, huyện Văn Quan) cho biết: Hiện HTX đang nuôi 1.200 con lợn nái, trung bình trong hai tháng sẽ sinh sản được 2.600 con lợn con. Tuy nhiên, do đã ký kết hợp tác nên tất cả số lợn con trên đều phải cung ứng về cho Công ty Cổ phần chăn nuôi Việt Nam (tỉnh Hải Dương) nên hợp tác xã không cung ứng con giống ra ngoài thị trường trong tỉnh.
Trang trại nuôi gà giống của anh Dương Hữu Hùng (xã Nhất Hoà, huyện Bắc Sơn) cũng vậy. Theo chia sẻ của anh Hùng, trang trại của anh thành lập từ năm 2018, từ nhiều năm qua, trang trại cung ứng được 7 – 8 nghìn con gà giống/lứa nhưng do đã ký liên kết với Công ty Japfa Việt Nam nên số gà giống này tất cả dành cung ứng cho công ty.
Còn trang trại nuôi bò sinh sản của anh Lương Hoàng Thức (xã Hồng Thái, huyện Bình Gia) có quy mô nuôi hơn 200 con bò, mỗi năm sinh sản được hơn 200 con bò giống nhưng số bò giống này, gia đình anh Thức cũng đã thực hiện hợp đồng cung ứng cho công ty chăn nuôi lớn khác chứ không cung ứng bò giống cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh, hoạt động chăn nuôi quy mô gia đình (quy mô nhỏ) chiếm 87,4%. Trong khi đó, các doanh nghiệp chăn nuôi, trang trại, gia trại sản xuất giống vật nuôi lớn trên địa bàn tỉnh lại chủ yếu cung ứng cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã thực hiện ký kết. Một gia trại, cơ sở sản xuất giống vật nuôi có thể thực hiện cung ứng trong tỉnh cũng rất ít, số lượng con giống cung ứng của nội tỉnh chỉ được khoảng 40% so với nhu cầu thực tế. Phần còn lại đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều nhập nguồn giống từ địa phương khác, trong đó phần lớn từ các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình…
Ông Nguyễn Hồng Minh, chủ hộ chăn nuôi lợn tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện gia đình đang nuôi hơn 500 con lợn thương phẩm, cao điểm đã nuôi gần 1.000 con. Để có số lượng đàn đảm bảo chất lượng, khâu mua và chọn lựa con giống rất quan trọng, tuy nhiên, cơ sở cung ứng giống trên địa bàn ít, lại không đảm bảo về chất lượng con giống, vì vậy, gia đình đã sử dụng con giống từ cơ sở giống uy tín ở ngoài tỉnh.
Được biết, các cơ sở sản xuất, cung ứng giống trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ, nguồn đầu tư không lớn nên việc ứng dụng khoa học- kỹ thuật trong phối, tạo con giống còn nhiều hạn chế. Việc thiếu những trạng trại, cơ sở sản xuất con giống chuyên nghiệp, có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh khiến công tác kiểm soát, quản lý về chất lượng, dịch bệnh trên con giống của lực lượng chức năng, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương càng trở lên khó khăn. Cùng đó, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung ứng con giống từ các địa phương khác cũng khiến công tác phát triển chăn nuôi hoàn toàn bị động khi có sự cố (dịch bệnh), người chăn nuôi không chủ động trong việc tái hoặc tăng đàn vật nuôi. Đồng thời, do giá con giống nhập ở địa phương khác thường cao hơn giá con giống trong tỉnh cũng khiến chi phí chăn nuôi tăng cao hơn. Đặc biệt, không có cơ sở sản xuất giống đặc thù cũng khiến việc khai thác, nhân con giống vật nuôi bản địa rất khó thực hiện.
Theo bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai một số hoạt động thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất con giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, do một số yếu tố khách quan và chủ quan, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa nhiều. Hiện Sở vẫn đang tiếp tục tìm gặp và vận động một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn của Việt Nam đến đầu tư vào tỉnh. Cùng đó, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ trang trại, gia trại triển khai sản xuất một số loại con giống chủ lực; đặc biệt là thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất giống lợn, gia cầm và bò. Từ đó, giúp nâng cao hiệu suất cung ứng con giống nội tỉnh.
Để khắc phục những khó khăn trong việc cung ứng con giống vật nuôi, từ đó giúp công tác chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, thiết nghĩ, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có đầu tư vào lĩnh vực sản xuất con giống vật nuôi, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm đầu tư công tác nghiên cứu những con giống chất lượng cao.