, |
Những ngày vừa qua, Thiên Tân – thành phố cảng lớn nhất phía Bắc Trung Quốc đã trở nên “nóng” hơn khi đón khoảng 1.400 đại biểu là các Thủ tướng, Bộ trưởng đến từ 21 quốc gia, lãnh đạo từ khoảng 850 tập đoàn, cơ quan, tổ chức toàn cầu cùng bàn về những vấn đề nóng của kinh tế thế giới. Hội nghị WEF Thiên Tân được đánh giá là sự kiện quan trọng hàng đầu, có quy mô lớn thứ hai của WEF sau Hội nghị thường niên tại Davos (Thuỵ Sỹ).
Việt Nam là một trong 5 nước được lựa chọn mời tham dự ở cấp Thủ tướng, bên cạnh Thủ tướng Trung Quốc, New Zealand, Mông Cổ và Barbados. Theo đánh giá của WEF, đây là đại diện những nền kinh tế mới nổi, có đóng góp ngày càng quan trọng cho kinh tế khu vực và toàn cầu, đang tiên phong trong một số lĩnh vực then chốt, tạo ra các động lực mới cho phát triển.
Diễn ra trong bối cảnh bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Hội nghị đã tập trung đánh giá, trao đổi, tìm ra các định hướng, giải pháp, đặc biệt phối hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp nhằm duy trì đà tăng trưởng, ứng phó với những “cơn gió ngược” tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Việt Nam là nền kinh tế rất năng động ở Đông Nam Á và việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn lần này được tin tưởng sẽ đóng vai trò tích cực trong việc tìm ra con đường phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu.
Còn theo Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, sự tham dự và đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị “mang đến câu chuyện phục hồi kinh tế lạc quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức”.
Trong Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF-hoạt động đối thoại quốc gia duy nhất được WEF tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị mà Thủ tướng Phạm Minh Chính là diễn giả chính, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm như một hình mẫu về phục hồi kinh tế và đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội để trao đổi về những định hướng, chính sách và môi trường đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam.
Đặc biệt, việc Thủ tướng nêu bật 6 “cơn gió ngược” đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới tại Phiên thảo luận với chủ đề Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh đã trở thành điểm nhấn trong các hoạt động tại WEF Thiên Tân.
6 “cơn gió ngược” đó là: (i) suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; (ii) hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài; (iii) cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; (iv) các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; (v) các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; (vi) biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Để đương đầu với các “cơn gió ngược”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh: “Đây là những vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến người dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân”.
Thủ tướng nêu 6 định hướng quan trọng: Thứ nhất, cần tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đặt người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là nguồn lực vừa động lực cho phát triển. Thứ hai, cần tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm.
Theo đó, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế, các nước lớn cần có chính sách khơi thông nguồn lực, kích hoạt các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt ưu tiên các nước nghèo, các nước đang phát triển.
Thứ ba, có giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, giảm giá năng lượng, lương thực. Thứ tư, không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, giảm thiểu các yếu tố cản trợ sự phát triển của toàn cầu. Thứ năm, sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột. Thứ sáu, tăng cường hợp tác công – tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Diễn đàn đồng tình, đánh giá rất cao và hưởng ứng vì đề cập “đúng và trúng”, đầy sức thuyết phục vì đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam trong quá trình chống dịch và phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ với các nhận định và định hướng mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra, Chủ tịch WEF Borge Brende đã chúc mừng và cho biết cộng đồng quốc tế biết đến Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực, đang phát triển hết sức năng động và hội tụ nhiều tiềm năng để đóng góp ngày càng tốt cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ đã có lịch trình làm việc dày đặc trong gần 24 tiếng tại Thiên Tân, gồm tham dự và phát biểu nhiều phiên họp quan trọng; có các cuộc trao đổi thực chất, hiệu quả, cởi mở với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và tập đoàn hàng đầu thế giới.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị WEF Thiên Tân tiếp tục góp phần thúc đẩy thực chất quan hệ giữa Việt Nam và WEF. Việc hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giai đoạn 2023-2026 tạo nền tảng để tăng cường quan hệ hai bên trong giai đoạn mới; truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu về những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh, những mục tiêu và định hướng phát triển của Việt Nam.
“Điều đáng mừng là tại tất cả các cuộc trao đổi, Việt Nam luôn được giới thiệu là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, một nền kinh tế năng động, đổi mới với quy mô và tiềm năng ngày càng lớn mạnh”, Bộ trưởng Ngoại giao nói.