Những chuyến thăm thúc đẩy hợp tác

Thụy Sĩ là một trong những nước Tây Âu đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1971. Kể từ đó đến nay, hai nước thường xuyên duy trì các chuyến thăm trao đổi đoàn các cấp, không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác.

Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas. 

Ngày 28-3-2017 ghi một dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ khi Chủ tịch Thượng viện Thụy Sĩ Ivo Bischofberger sang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại cuộc hội đàm diễn ra sau đó 1 ngày, hai bên đã cùng thống nhất đánh giá rằng quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ phát triển rất tốt đẹp với việc duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao.

Hai bên đã đạt rất nhiều đồng thuận, trong số đó có điểm đồng thuận rất quan trọng là bên cạnh việc duy trì thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ. Phía Thụy Sĩ khẳng định sẽ khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào Việt Nam; tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để tạo hành lang pháp lý, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp các bên tham gia.

Kết quả hội đàm giữa 2 bên trong chuyến thăm này đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trong hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam và Thụy Sĩ. Năm 2019, trao đổi thương mại giữa hai bên đã đạt con số kỷ lục là 2,8 tỷ USD; 140 doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Sĩ đã có mặt tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 2 tỷ USD. Khi ấy, Thụy Sĩ đã vươn lên đứng thứ 6 ở khu vực châu Âu đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, với sự ủng hộ nhiệt thành của Thụy Sĩ, năm 2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được hai bên thông qua, chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2020, tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU nói chung cũng như giữa Việt Nam và Thụy Sĩ nói riêng.

Tuy nhiên, rất tiếc là do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 được ghi nhận ở mức 806 triệu USD, giảm 6,8% so với năm 2021 và giảm sâu so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 vào năm 2019. Về hợp tác đầu tư, hiện có 206 dự án đầu tư từ doanh nghiệp Thụy Sĩ vào Việt Nam còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 1,9 tỷ USD.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Thụy Sĩ Ivo Bischofberger tại Nhà Quốc hội Việt Nam năm 2017.

Sự tiếp nối của niềm tin và hy vọng

Tiếp nối sự thành công của các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau giữa hai nước trong thời gian gần đây, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Thụy Sĩ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 27 đến 30-6. Tham gia đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Thụy Sĩ thăm chính thức Việt Nam có Phó chủ tịch thứ nhất Hạ viện Thụy Sĩ Eric Nussbaumer; Phó chủ tịch thứ hai Hạ viện Thụy Sĩ Maja Riniker.

Chuyến thăm được tiến hành trong bối cảnh thế giới đã vượt qua được sự nguy hiểm từ dịch Covid-19 nhưng những khó khăn, thách thức do dịch bệnh nguy hiểm này để lại vẫn còn rất lớn.

Do vậy, chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, nhằm tận dụng những cơ hội mà EVFTA mang lại cho cả 2 bên; đồng thời nỗ lực hướng tới việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA-bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), đưa quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước dần phục hồi và tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ.

CHIẾN THẮNG