Hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội thu hút đầu tư, thương mại và du lịch của Cao Bằng đã được quảng bá tại Hội nghị giới thiệu Cao Bằng với chủ đề “Cao Bằng điểm đến – kết nối và phát triển” diễn ra ngày 3/10.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội nghị “Giới thiệu Cao Bằng”. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Cao Bằng tổ chức, thể hiện mong muốn quyết tâm hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa của tỉnh trong việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Sự kiện có ý nghĩa to lớn khi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 525 năm ngày thành lập tỉnh, thu hút gần 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ Ngoại giao, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, đại diện các sở, ban, ngành, huyện, thành phố thuộc tỉnh Cao Bằng, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, hiệp hộ, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Phên giậu” vững chắc
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng, Cao Bằng có vị trí chiến lược trọng yếu, là “phên giậu” biên cương phía Bắc của Việt Nam. Với ưu thế đường biên giới dài trên 333 km giáp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), tỉnh có mạng lưới các cửa khẩu quan trọng, gồm hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu song phương, hai cửa khẩu phụ và nhiều lối mở, đường mòn qua lại biên giới.
Thêm vào đó, tỉnh còn sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, nhiều mỏ có trữ lượng lớn (sắt, mangan, chì, kẽm, vật liệu xây dựng…) và nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu như lê, thạch đen (Đông Khê), hạt dẻ, gạo nếp Pì Pất (Trùng Khánh), quýt Trà Lĩnh, chè Giảo cổ lam…
Với điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng núi phía Bắc, Cao Bằng có nhiều tiểu vùng sinh thái, nhiều danh lam thắng cảnh kì vĩ, không chỉ mang giá trị đa dạng sinh học, di sản địa chất, địa mạo độc đáo, mà còn hội tụ của nhiều di tích lịch sử, khảo cổ học nổi tiếng.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đánh giá, những điều kiện thuận lợi trên giúp tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc triển khai những trọng tâm đột phá. Đơn cử như: đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn; phát triển nông nghiệp thông minh, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu; phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh – Urumqi (Trung Quốc) – Khorgos, (Kazakhstan) sang các nước châu Âu và ngược lại.
Nói thêm về tiềm năng của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh thông tin, trải qua quá trình xây dựng và phát triển với nhiều lần chia tách, sáp nhập, Cao Bằng vẫn luôn giữ vai trò là đơn vị hành chính có vị trí chiến lược trọng yếu và là bức “phên giậu” vững chắc nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc.
Ông Hoàng Xuân Ánh chia sẻ: “Trên chặng đường lịch sử vẻ vang, Cao Bằng vinh dự và tự hào được thay mặt cho nhân dân cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Mảnh đất Cao Bằng đã gắn liền với nhiều hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.
Vì vậy, khi nói đến Cao Bằng là nói đến những ‘địa chỉ đỏ’ của đất nước như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó; Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Di tích quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng biên giới 1950 huyện Thạch An…”.
Về thu hút đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy cho hay, với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn và đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, tỉnh đã ban hành Chương trình trọng tâm “Xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược”; ban hành và thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư như: chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm…
Đối với các chính sách hiện hành của Trung ương, cụ thể theo Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, tỉnh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, do đó, các dự án đầu tư trên địa bàn Cao Bằng (trừ một số loại dự án đầu tư: khai thác khoáng sản, sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ sản xuất ô tô) đang được hưởng các mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc tham quan gian hàng triển lãm sản phẩm của Cao Bằng tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Biến khó khăn thành lợi thế khác biệt
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, trong suốt chặng đường dài phát triển, Cao Bằng luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng. Những năm qua, Cao Bằng chung sức, đồng lòng, nỗ lực tạo sự thay đổi căn bản và thực chất trong phát triển kinh tế – xã hội. Nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh Cao Bằng chủ trương khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội, trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, kinh tế biên mậu.
“Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác trong và ngoài nước đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh; trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, kinh tế cửa khẩu và nông nghiệp công nghệ cao…”, ông Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng cho rằng, với quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế khác biệt để đột phá vươn lên, Cao Bằng đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực không ngừng tạo sự thay đổi căn bản và thực chất trong phát triển kinh tế. Tỉnh đang đẩy mạnh việc giải bài toán về việc rút ngắn khoảng cách địa lý, nâng cao hơn nữa năng lực giao thương với các trung tâm hành chính, kinh tế khu vực phía Bắc và trên cả nước nhằm tương xứng với những tiềm năng của tỉnh.
“Tôi tin rằng, với dư địa phát triển dồi dào và định hướng đúng đắn của lãnh đạo tỉnh, Cao Bằng hoàn toàn có thể trở thành lựa chọn ưu tiên của các đối tác quốc tế”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc bày tỏ.
Về phía Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói rằng, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Bộ trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, tạo nhiều diễn đàn, không gian để Cao Bằng, doanh nghiệp Việt Nam và đối tác quốc tế gặp gỡ, trao đổi, kết nối, tiến đến những hợp tác thiết thực và hiệu quả.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định: “Bộ Ngoại giao sẽ tăng cường hỗ trợ tối đa các Cơ quan đại diện, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư… có nhu cầu đầu tư vào Cao Bằng; trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có nhu cầu như: du lịch, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu, công nghiệp khai khoáng, vận chuyển…”
“Cao Bằng có nền tảng để kết nối, hợp tác với các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Trung và Đông Âu. Hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam sẽ tăng cường hỗ trợ để hợp tác hai bên đạt hiệu quả, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bền vững, du lịch, chuyển giao công nghệ, năng lượng tái tạo, chia sẻ kinh nghiệm chuyên gia, nghiên cứu để sản phẩm của Cao Bằng xâm nhập vào thị trường châu Âu”. Marko Moric Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam |
“ChildFund hoạt động tại Cao Bằng từ năm 2009 và đến nay đã triển khai 46 dự án tại ba huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh và Thạch An với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng, cải thiện cuộc sống của 20.000 hộ dân trong các xã dự án. Từ đó đến nay, thông qua quan hệ hợp tác bền chặt và hiệu quả giữa ChildFund và đối tác địa phương, có rất nhiều thay đổi tích cực đã đến với các huyện dự án. Trong quá trình hợp tác, chúng tôi thật sự cảm kích trước tinh thần hợp tác, chủ động tích cực và năng lực ngày càng nâng cao của của các cán bộ địa phương. Tôi hy vọng, Hội nghị sẽ mở ra những cơ hội đầu tư, cam kết hỗ trợ mới cho tỉnh. Tôi tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng, nhân dân và chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng sẽ luôn nắm bắt các cơ hội, hợp tác hiệu quả hơn”.
Lê Ngọc Bảo, Trưởng ban Điều phối chương trình, Tổ chức ChildFund, Australia |