Cúm A là gì?
Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Bệnh Cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A, bao gồm: H1N1, H5N1, H7N9. Hầu hết những người nhiễm bệnh có thể khỏi bệnh mà không cần dùng đến thuốc điều trị. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhập viện vì nhiễm virus này do cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu có sức đề kháng kém.
Cúm A lây nhiễm qua đường nào?
Đường lây truyền của virus cúm A từ người bệnh sang người lành rất đơn giản. Virus cúm A lan truyền chủ yếu từ người này sang người bởi các hạt bụi, các giọt nước bọt nhỏ li ti dính virus của người bệnh thông qua việc ho hoặc hắt hơi hoặc đôi khi người bệnh có thể bị nhiễm bệnh do chạm vào một bề mặt cứng như nắm đấm cửa, tay vịn cầu thang… có virus cúm sau đó chạm lại vào miệng hoặc mũi của họ.
Bệnh cúm A có thể lây truyền từ một ngày trước khi phát triển các triệu chứng đến 7 ngày sau khi bị bệnh. Trẻ em, người cao tuổi sức đề kháng kém có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn.
Dấu hiệu người mắc cúm A
Cúm A có triệu chứng tương tự như những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các tác nhân khác, đó là sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, chảy nước mũi), đau họng và sốt. Đặc biệt bệnh nhân mắc cúm A thường sốt cao 39-40°C, da sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ.
Đối với trẻ em còn có mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, các trường hợp nặng có thể có khó thở và kèm theo các biến chứng khác. Đại đa số bệnh nhân sẽ được khám bệnh, kê đơn thuốc cho về điều trị ngoại trú, tuy nhiên những trường hợp có biểu hiện biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… sẽ có chỉ định nhập viện để điều trị.
5 đối tượng có nguy cơ mắc cúm A cao hơn
Đối tượng nào cũng có thể mắc cúm A, tuy nhiên một số trường hợp sau cần chú ý có nguy cơ mắc cao và diễn tiến nặng hơn:
– Trẻ em < 5 tuổi, trong đó trẻ em <2 tuổi có nguy cơ nhiễm cao nhất
– Người lớn >65 tuổiNhững người có bệnh mãn tính: Tiểu đường, tim phổi, suy thận, suy gan và suy giảm miễn dịch
– Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ
– Bệnh nhân suy giảm khả năng nhận thức, rối loạn thần kinh, động kinh,…
– Những người làm việc ở môi trường đông người như trường học, bệnh viện, công sở có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm A
Cúm A thường tiến triển không quá nặng, tuy nhiên đối với những người mắc bệnh lý về tim mạch, hô hấp hoặc các trẻ nhỏ và người lớn tuổi thường sẽ trở nặng, có thể gây tử vong.
Biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mạch vành, suy tim, đái tháo đường,…
Ngoài ra, bệnh còn gây viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu và một số triệu chứng như sốt cao, khó thở, phủ phổi, tím tái. Với phụ nữ mang thai, nếu mắc cúm A có thể gây biến chứng viêm phổi và sẩy thai. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao.
Cách điều trị cúm A tại nhà
– Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Hạn chế ra ngoài những nơi công cộng hoặc tiếp xúc với nhiều người, nếu có thì phải mang khẩu trang y tế.
– Để người bệnh nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Uống nhiều nước, ăn uống chế độ hợp lý, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đồ ăn dễ tiêu hóa, hạn chế uống nước lạnh.
– Tắm nước ấm, bận quần áo nhẹ, thông thoáng để giảm nhiệt độ cơ thể.
– Nếu trường hợp sau 7 ngày các triệu chứng vẫn chưa thuyên giảm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
6 sai lầm cần tránh khi tự điều trị cúm A tại nhà
– Không tự sử dụng kháng sinh khi chưa có sự kê đơn của bác sĩ
– Không lạm dụng thuốc kháng virus Tamiflu
– Không lạm dụng Corticoid trong điều trị cúm
– Không kết hợp thuốc không đúng hướng dẫn của bác sĩ
– Không tự ý tăng, giảm liều thuốc
– Không ngừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Người bị cúm A ăn gì để nhanh hồi phục
Người bệnh cúm A nên ăn các món dễ tiêu. Uống nhiều nước. Ăn nhiều rau quả, trái cây tươi chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng chống lại virus gây bệnh.
Đối với trẻ còn bú mẹ cần tăng cường cho bú theo nhu cầu khi trẻ thấy dễ chịu. Đối với trẻ lớn cần cho trẻ ăn các thức chế biến dưới dạng lỏng, dễ tiêu như cháo, súp…
Nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C để hỗ trợ tăng cường sức đề kháng. Cho trẻ uống đủ nước. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày để trẻ dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn
Phòng ngừa cúm A theo khuyến cáo của Bộ Y tế
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc cúm: Nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác bệnh. Từ đó, có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
Vệ sinh cá nhân cẩn thận: Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà bông tiệt trùng sau khi cầm nắm đồ vật hoặc đến nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc người nghi mắc cúm, tránh tập trung nơi đông người trong mùa dịch.
– Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc với dung dịch sát khuẩn, mở cửa sổ thông thoáng.
– Tăng cường sức đề kháng bằng việc tập luyện thể dục, chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
– Tiêm vắc xin cúm đầy đủ, đúng lịch, nhất là các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao cần được tiêm phòng trước mùa dịch.