Lý giải về nguyên nhân sự cố sạt lở hầm, Cục trưởng Đường sắt cho hay, do địa chất khu vực Phú Yên, Khánh Hòa tương đối phức tạp, kết cấu không phải đá cứng mà là đất rời rạc.
Chiều 23/5, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Thiện Cảnh – Cục trưởng Đường sắt Việt Nam cho biết, đến thời điểm này công tác khắc phục sự cố, sửa chữa hầm Chí Thạnh (ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đang được các lực lượng tiến hành khẩn trương.
Lực lượng túc trực 24/24h khắc phục sự cố sạt hầm
Việc khắc phục được tiến hành ở cả phần cửa hầm phía Nam và phía Bắc với mỗi ca khoảng hơn 10 công nhân. Đến nay tại hiện trường chưa chưa ghi nhận thêm bất kỳ điểm sạt lở nào.
Lý giải về nguyên nhân sự cố sạt lở hầm, Cục trưởng Đường sắt cho hay, do địa chất khu vực Phú Yên, Khánh Hòa tương đối phức tạp, kết cấu không phải đá cứng mà là đất rời rạc.
Thời gian gần đây, trên địa bàn liên tục có mưa, dẫn đến đất đá bị sạt. Đặc biệt, tuyến đường sắt Bắc – Nam đã đưa vào khai thác từ rất lâu nên có dấu hiệu xuống cấp.
Lãnh đạo Bộ GTVT đi kiểm tra công tác khắc phục sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh trong ngày 23/5. |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, hầm đường sắt Chí Thạnh và những hầm khác ở khu vực miền Trung được xây dựng từ hơn 100 năm nay nên xuống cấp. Nguyên nhân sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh được xác định là do địa chất phức tạp, kết cấu bở rời.
Trên đỉnh hầm còn có đường bộ đang được khai thác nên ít nhiều ảnh hưởng đến kết cấu hầm. Những ngày gần đây, khu vực hầm đường sắt Chí Thạnh có mưa nên toàn bộ đặc tính cơ lý của đất bị giảm, dẫn đến sự cố sạt lở đất đá.
“Hiện nay còn 12 hầm xuống cấp cần sửa chữa gấp, trong đó ngành đường sắt đang thi công, sửa chữa tại 9 hầm. Tuy nhiên, đặc điểm của đường sắt là đường đơn, vừa cải tạo vừa khai thác nên mỗi ngày chỉ làm được khoảng 2-2,5 tiếng. Đối với hầm Bãi Gió (Khánh Hòa) và Chí Thạnh (Phú Yên) đang cải tạo thì xảy ra sạt lở”, ông Cảnh nói.
Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, nhận thấy vấn đề này, trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT đã bố trí khoảng 4.000 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa và nâng cấp hầm xuống cấp. Song hiện số hầm xuống cấp cần phải sửa chữa còn khá lớn, còn khoảng 27 hầm yếu trên toàn tuyến đường sắt Bắc – Nam với số tiền dự tính cần khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng. Bộ đang đề xuất cơ quan có thẩm quyền bố trí đưa vào giai đoạn 2026-2030.
“Hôm nay, lãnh đạo Bộ GTVT đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục, đồng thời yêu cầu Cục và các đơn vị liên quan có mặt tại hiện trường 24/24h để tập trung khắc phục sớm nhất. Các lực lượng đang được huy động tối đa…”, ông Cảnh nói.
Bao giờ thông hầm?
Ngày 23/5, đoàn công tác của Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đã đến kiểm tra thực địa và chỉ đạo khắc phục sự cố sụt lở tại hầm đường sắt Chí Thạnh.
Tại đây, các cơ quan chức năng nhận định, nếu thời tiết thuận lợi trong 2 -3 ngày tới mới khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt này. Hiện việc khắc phục sự cố vẫn đang diễn ra hết sức khẩn trương.
Khoảng 100 công nhân đang tích cực phun bơm bê tông gia cố các điểm sạt lở, bên trong hầm không phát sinh thêm khối lượng đất đá sạt lở mới.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy (thứ 2 bên trái) kiểm tra việc khắc phục tại hầm Chí Thạnh. |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, hầm đường sắt Chí Thạnh và những hầm khác ở khu vực miền Trung được xây dựng từ hơn 100 năm nay nên xuống cấp. Nguyên nhân sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh được xác định là do địa chất phức tạp, kết cấu bở rời.
Trên đỉnh hầm còn có đường bộ đang được khai thác nên ít nhiều ảnh hưởng đến kết cấu hầm. Những ngày gần đây, khu vực hầm đường sắt Chí Thạnh có mưa nên toàn bộ đặc tính cơ lý của đất bị giảm, dẫn đến sự cố sạt lở đất đá.
Công nhân nổ lực khắc phục sự cố sụt lở hầm đường sắt Chí Thạnh. |
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đã yêu cầu chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án 85) và đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tiến hành sửa chữa.
Lực lượng thi công phải được duy trì tại hiện trường 24/24 để nhanh chóng khắc phục sạt lở, quá trình thi công cần lưu ý đảm bảo an toàn cho người lao động và phương tiện.
Công nhân chuẩn bị máy móc để khoan bơm bê tông gia cố hầm đường sắt Chí Thạnh. |
Đại diện VNR cho biết, sự cố sụt lở hầm Chí Thạnh đã làm gián đoạn chạy tàu, ngành đường sắt phải chuyển tải hành khách bằng đường bộ. Tính đến ngày 23/5, VNR đã thực hiện phương án chuyển tải hành khách của 12 đoàn tàu bằng ô tô giữa hai ga La Hai và Tuy Hòa.
Số lượng hành khách được chuyển tải của 12 đoàn tàu xuất phát từ ga Sài Gòn và ga Hà Nội ngày 21/5 là 2.650 hành khách, ngày 22/5 là 2.845 hành khách. Dự kiến ngày 23/5 cũng phải chuyển tải hành khách trên 12 đoàn tàu với số lượng hơn 3.000 hành khách.
Công nhân vận chuyển thiết bị sửa chữa đi vào hầm đường sắt Chí Thạnh. |
Do ảnh hưởng sụt lở hầm Chí Thạnh, VNR đã hủy các tàu SE9/SE10 xuất phát từ Hà Nội và TP.HCM từ ngày 23/5 đến 29/5. Ngoài ra, tàu SE42 xuất phát tại ga Nha Trang từ ngày 24/5 đến 29/5 và tàu SE41 rời ga Đà Nẵng từ ngày 25/5 đến 30/5 cũng bị bãi bỏ. Tàu SE51 xuất phát từ ga Huế ngày 22/5 sẽ chỉ chạy đến ga Diêu Trì (Bình Định), không chạy đoạn từ Diêu Trì đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hành khách đã mua vé trên các chuyến này có thể trả hoặc đổi vé không mất phí tại nhà ga.
Ngành đường sắt huy động xe ô tô chở khách từ ga Tuy Hòa đi ga La Hai. Ảnh: M.N. |
Như Tiền Phong đã thông tin, khoảng 10h30 ngày 21/5, một lượng đất đá trong hầm đường sắt Chí Thạnh đã bất ngờ đổ xuống khi tàu công trình đang thực hiện công tác gia cố hầm. Khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 30m3. Sau đó, hầm này tiếp tục sạt lở với khối lượng lên đến 50m3. Sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh đã làm gián đoạn chạy tàu Bắc – Nam qua khu vực này.
Nguồn: https://tienphong.vn/cuc-truong-duong-sat-viet-nam-noi-ve-nguyen-nhan-sat-ham-chi-thanh-post1639777.tpo