Các nhà thầu không xử lý kịp thời hư hỏng, ngoài việc xử phạt hoặc chấm dứt hợp đồng còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cục Đường bộ VN vừa yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ; các Sở GTVT quản lý quốc lộ; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC); các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT tăng cường công tác xử lý hư hỏng, bảo đảm an toàn trên hệ thống quốc lộ.
Cụ thể, các đơn vị được yêu cầu sửa chữa kịp thời các vị trí mặt đường bị hư hỏng dạng ổ gà, sình lún, nứt vỡ, hằn lún mức độ nặng gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến; Sửa chữa, bổ sung hệ thống an toàn giao thông như vạch sơn, biển báo, cọc tiêu, hệ thống thoát nước…
Nếu phát sinh sự cố hư hỏng gây ảnh hưởng đến giao thông phải có giải pháp sửa chữa khắc phục kịp thời. Trường hợp hư hỏng chưa khắc phục được ngay phải có các giải pháp tạm thời để bảo đảm giao thông như rào chắn, cắm biển báo nguy hiểm hoặc biển báo cấm tạm thời.
Đối với các hư hỏng nhỏ thuộc phạm vi công tác bảo dưỡng thường xuyên, Cục Đường bộ VN yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ, Sở GTVT chỉ đạo nhà thầu thực hiện ngay, thời hạn xử lý đối với từng công việc tuân thủ theo quy định hợp đồng.
Các nhà thầu xử lý không kịp thời ngoài việc xử phạt hoặc chấm dứt theo quy định hợp đồng còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tai nạn giao thông do lỗi thuộc trách nhiệm của công tác bảo trì đường bộ.
Ngoài ra, để xử lý triệt để các tồn tại, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Cục Đường bộ cũng yêu cầu các đơn vị chủ động đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo các đoạn quốc lộ hoặc quốc lộ bằng nguồn vốn đầu tư công để đảm bảo ATGT.
Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý tổ chức giao thông, Cục Đường bộ VN cho hay, việc bảo trì đường bộ còn những bất cập như quy mô, chất lượng các tuyến quốc lộ chưa đều, nhiều tuyến quốc lộ chất lượng tốt, chất lượng quản lý, bảo trì vẫn còn tồn tại, hạn chế.
Cục Đường bộ VN đã ban hành Nghị quyết chuyên đề 06/2022 về tăng cường các giải pháp để đảm bảo chất lượng quản lý, bảo trì kết đường bộ với nhiều nhiệm vụ và giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Theo đó, Cục Đường bộ VN sẽ thực hiện sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới kiểm tra quản lý, bảo trì, quản lý dự án và lựa chọn tư vấn lập dự án, thiết kế các dự án sửa chữa công trình đường bộ; tăng cường quản lý, kiểm tra đối với các công trình cầu.
Đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của các nhà thầu bảo trì có năng lực, kinh nghiệm quản lý, bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ và khen thưởng và xử lý vi phạm chất lượng quản lý, bảo trì.
Chia sẻ thêm, ông Lê Hồng Điệp cho hay, Cục Đường bộ VN sẽ tiếp tục kiến nghị từng bước tăng tổng vốn dành cho quản lý, bảo trì quốc lộ; bổ sung vốn để duy trì hoạt động các hệ thống phần mềm, công nghệ thông tin phục vụ lập kế hoạch thực hiện bảo trì, theo dõi, dự đoán, tình trạng xuống cấp; phục vụ kiểm định định kỳ, đánh giá an toàn công trình.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cuc-duong-bo-yeu-cau-sua-chua-ngay-hu-hong-tren-quoc-lo-dam-bao-giao-thong-em-thuan-192241222104224035.htm