Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) mới đây đã có báo cáo đánh giá tổng quan về chăn nuôi heo trong năm 2023, trong đó ghi nhận giá heo hơi xuất chuồng trong năm vừa qua liên tục giảm, có thời điểm xuống dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi không có lãi, thậm chí là thua lỗ.
Nguồn cung nhiều, sức mua yếu
Theo Cục Chăn nuôi, năm 2023 chăn nuôi heo vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi. Chăn nuôi heo phát triển ổn định trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến gia tăng.
Đến cuối năm 2023, tổng đàn heo ước đạt trên 26,3 triệu con (chưa tính khoảng hơn 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, năm 2023 là năm có tổng đàn heo cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Giai đoạn 2019 – 2023, tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình là 6,94%/năm. Ước tính cả năm 2023, tổng sản lượng heo hơi xuất chuồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng theo Cục Chăn nuôi, nguồn cung heo thịt từ các doanh nghiệp, trang trại tăng cao, đặc biệt trong tháng 9 – 11. Trong khi đó, sức mua thực phẩm của người dân giảm so với trước đây khiến giá heo hơi xuất chuồng liên tục giảm thấp.
Năm 2023, giá heo hơi khá đồng nhất so với năm 2022 về xu hướng biến động theo từng tháng. Đáng lưu ý, kể từ tháng 3 và giá heo hơi xuất chuồng luôn thấp hơn giá năm 2022 (ngoại trừ tháng 6.2023). Đặc biệt, ở tuần đầu tháng 12.2023, giá heo hơi trung bình cả nước là 48.000 đồng/kg – mức giá thấp nhất trong năm 2023. Mức giá này thấp hơn khoảng 13.000 đồng /kg so với thời điểm giá lợn cao nhất năm (tháng 7.2023) với giá trung bình cả nước 61.000 đồng/kg, thậm chí tại một số tỉnh miền Bắc thời điểm đó giá cao nhất 68.000 đồng/kg).
Mặc dù, sau đó giá heo hơi tăng nhẹ 1.000 – 3.000 đồng/kg, đưa giá trung bình tháng 12 lên 49.000 đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi, giá thành sản xuất 1 kg heo hơi dao động từ 45.000 – 52.000 đồng /kg, với mức giá này người chăn nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Nhập khẩu thịt và phụ phẩm tăng mạnh, xuất khẩu không đáng kể
Cục Chăn nuôi cho rằng, một trong những yếu tố tác động khiến giá heo hơi trong nước khó tăng là lượng thịt heo và phụ phẩm heo nhập khẩu tăng liên tục trong nửa cuối năm 2023. Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 116.000 tấn thịt heo, chiếm 3% tổng tiêu thụ thịt heo. Ngoài ra, Việt Nam nhập khoảng 122.450 tấn phụ phẩm ăn được từ heo, tăng 76,7% so với năm 2022.
Còn theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Bộ Công thương, thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất. Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 9.900 tấn, trị giá 57,85 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng 29,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nay, Hồng Kông đang là thị trường nhập khẩu thịt heo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 87,43% về lượng và chiếm 93,8 % về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh.
Trong năm 2023, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt heo của Việt Nam chưa tương xứng với sản lượng sản xuất hàng năm. Hiện nay, lượng thịt heo xuất khẩu vẫn còn đang quá nhỏ so với tổng sản lượng xuất chuồng. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn là heo sữa và heo choai sang thị trường Hồng Kông mà không phải các sản phẩm Việt Nam đang sản xuất ở quy mô lớn như thịt đông lạnh hay thịt tươi.
Chăn nuôi heo ở Trung Quốc gần như không có lợi nhuận
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2023 ngành chăn nuôi heo trên toàn thế giới gặp nhiều thách thức, tốc độ giảm đàn diễn ra ở nhiều quốc gia. Giá thịt heo từ đầu tháng 7.2023 đến nay liên tiếp giảm do nhu cầu nhập khẩu ở các nước châu Á chậm, trong khi nguồn cung ở một số nước xuất khẩu dồi dào.
USDA ước tính, đến cuối năm 2023, tổng đàn heo trên thế giới ước đạt 769,7 triệu con (giảm 2% so với cùng kỳ năm trước) do nhu cầu tái đàn giảm dần và lượng tồn kho thời điểm đầu năm ở mức cao; sản lượng thịt heo toàn cầu dự kiến đạt 114,8 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2022.
Còn tại Trung Quốc, nguồn cung heo dồi dào, trong khi mức tiêu thụ thấp hơn năm 2022 khiến giá heo hơi giảm, thị trường thịt chịu áp lực… nên chăn nuôi lợn hầu như không có lợi nhuận. USDA ước tính cơ cấu sản lượng thịt heo hơi của các nước trên thế giới thì Trung Quốc chiếm nhiều nhất với 48%; Liên minh châu Âu 20%; Mỹ 11%; Brazil 4%; Nga 4%; Việt Nam 3% và sản lượng các nước khác chiếm 10%.