Lần đầu xuất khẩu qua Mỹ đã cháy hàng
Ngày 17/12, chị Đoàn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Vua Cua, cho biết vừa xuất qua Mỹ chuyến hàng đầu tiên với 11 tấn cua, 5 tấn ốc hương, 2 tấn tôm thẻ, 2 tấn tôm càng. Tất cả đều là sản phẩm chế biến sẵn gia vị, chỉ cần rã đông, hâm nóng là có thể dùng ngay.
Trong số này, cua Cà Mau là sản phẩm gây ấn tượng nhất, bởi đây là lần đầu tiên thương hiệu cua Cà Mau ăn liền được bày bán tại 200 điểm chợ, siêu thị ở Mỹ.
“Số hàng xuất qua Mỹ bán rất chạy, khách muốn mua thêm nhưng tôi không còn đủ sản phẩm bán. Tôi vẫn đang vui lắm nhưng cố gắng cân bằng, tiếp tục tập trung sản xuất”, chị Thư chia sẻ với phóng viên Dân trí.
“Hiện tại, tôi vừa nhận được đơn đặt hàng từ một công ty lớn ở châu Âu nhưng vẫn trong quá trình giao dịch. Chúng tôi sợ công suất sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường nhưng sẽ cố gắng duy trì chất lượng để giữ vững thương hiệu cua Cà Mau”, chị Thư cho biết.
Theo chị Thư, trong tình cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp có đơn đặt hàng xuất khẩu là điều rất đáng mừng. Chính vì vậy, chủ doanh nghiệp càng phải thận trọng và duy trì chất lượng để đảm bảo uy tín về lâu dài.
“Tôi muốn nâng giá trị hải sản, cua và gia vị Việt Nam”, chị Thư chia sẻ.
Cần bỏ suy nghĩ hàng đông lạnh là dở
Để xuất khẩu cua ăn liền sang Mỹ, chị Anh Thư phải mất 2 năm nghiên cứu công thức và hoàn thiện pháp lý. Trong bối cảnh hải sản Việt Nam xuất khẩu thô liên tục bị ép giá, ý tưởng chế biến sẵn và cấp đông được xem là một bước đột phá mới mở ra nhiều cơ hội cho thương hiệu cua Cà Mau nói riêng, hải sản Việt Nam nói chung.
“Hai năm trước tôi đưa ra ý tưởng sản xuất cua Cà Mau đông lạnh và hỏi rất nhiều người làm cua lâu năm họ đều nói tôi “khùng”. Tôi cứ nghĩ nếu cái gì làm một vài lần đã thành công thì ai chẳng làm được. Thế là tôi thử rất nhiều cách khác nhau nhưng thất bại, thành phẩm cua bở, không đạt chất lượng”, chị Thư kể.
Đến năm 2022, bà chủ Vua Cua tiếp tục quay lại nghiên cứu, phân tích thành phẩm, ngắt nhỏ quy trình chế biến và đi đến kết quả thành công.
Chị Thư cho rằng, nhiều người Việt có định kiến với hàng đông lạnh khiến thành phẩm này chật vật tại thị trường nội địa. Nghĩ liều, chị quyết định đưa cua Cà Mau sang Mỹ với quy cách chế biến có gia vị và cấp đông.
“Tôi nghĩ một khi thị trường Mỹ đã chấp nhận thì việc quay về thuyết phục thị trường trong nước là điều hoàn toàn có thể”, chị Thư kỳ vọng.
Người tiêu dùng thích cua Cà Mau bởi chất lượng vượt trội so với nhiều loại cua khác. Riêng ở Mỹ, cua Cà Mau sống hay hấp đã bày bán trước đó nhưng hầu hết các doanh nghiệp bị ép giá, chật vật trong quá trình tạo ra thương hiệu.