Ngày 6/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng, Ukraine đã sở hữu khả năng tấn công tầm xa đáng kể nhằm vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Từ phải qua trái: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin III và Tướng CQ Brown Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, gặp nhau trong Nhóm tiếp xúc quốc phòng Ukraine tại Căn cứ không quân Ramstein, Đức, ngày 6/9. (Nguồn: Không quân Mỹ) |
Tạp chí Air & Space Defense đưa tin, sau cuộc họp của nhóm liên lạc tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng, Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) có những phát triển riêng cho phép họ thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở khoảng cách xa, giúp mở rộng đáng kể khả năng chiến đấu.
Theo ông, Nga đã di chuyển bom lượn của mình ra khỏi tầm bắn của tên lửa ATACMS, trong khi bản thân Ukraine có khả năng tấn công các mục tiêu nằm ngoài tầm bắn của tên lửa hành trình Storm Shadow mà Anh cung cấp, đề cập năng lực của máy bay không người lái mà Kiev sử dụng.
Khẳng định hiện tại, Mỹ không thay đổi chính sách về việc không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa mà Washington cung cấp để tấn công sâu vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, ông Austin nói: “Tôi không tin một khả năng cụ thể nào sẽ mang tính quyết định”.
Cũng theo ông chủ Lầu Năm Góc, xung đột ở Ukraine sẽ được giải quyết trên bàn đàm phán, nhưng “rất khó dự đoán chính xác khi nào thời điểm đó sẽ đến”.
Trong khi đó, cùng ngày, Mỹ, Đức, Đan Mạch, Hà Lan và Canada đã công bố các gói cung cấp vũ khí và thiết bị mới nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.
Cụ thể, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự trị giá 250 triệu USD. Gói này bao gồm nhiều loại vũ khí và thiết bị, có thể bao gồm đạn dược, hệ thống liên lạc và thiết bị bổ sung cho các tác chiến trên bộ.
Đức, Đan Mạch và Hà Lan sẽ cùng chuyển giao 77 xe tăng Leopard 1A5 cho Ukraine. Những chiếc xe tăng này được thiết kế để hỗ trợ bộ binh ở các khu vực mặt trận khác nhau. Leopard 1A5 dù không phải là phương tiện hiện đại nhất nhưng vẫn có thể nâng cao đáng kể khả năng chiến đấu của các đơn vị thiết giáp Ukraine. Đức cũng sẽ gửi cho Ukraine 12 hệ thống pháo tự hành Panzerhaubitze 2000.
Về phần mình, Canada sẽ cung cấp một loạt động cơ cho tên lửa không điều khiển lắp trên máy bay và 1.300 đầu đạn. Những bộ phận này có thể được sử dụng cho máy bay không người lái (UAV), sẽ cho phép quân đội Ukraine mở rộng việc sử dụng UAV tác chiến.
Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cũng thông báo sẽ chuyển giao cho Ukraine các khẩu đội tên lửa phòng không HAWK, gồm 6 bệ phóng nhằm tăng cường hệ thống phòng không Ukraine trong bối cảnh xung đột đang diễn ra.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo, nước này sẽ sử dụng một phần trong số 1,4 tỷ Euro (1,5 tỷ USD) doanh thu từ các tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ mua thiết bị quân sự cho Ukraine.
Nguồn: https://baoquocte.vn/cu-tuyet-yeu-cau-coi-troi-my-tiet-lo-ukraine-tu-co-nang-luc-khong-ngo-kiev-nhan-tin-vui-toi-tap-285315.html