Ngày 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước. Đại biểu Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La phát biểu thảo luận.
Trước hết, tôi nhất trí với các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023 và báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Từ thực tiễn, tôi xin được phát biểu bổ sung và kiến nghị nội dung liên quan đến xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau: Kết cấu hạ tầng giao thông rất quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Sơn La là một tỉnh nằm trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội; môi trường sinh thái; quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông liên kết còn thiếu và yếu. Thực trạng hiện nay, việc kết nối từ Thủ đô Hà Nội đến tỉnh Sơn La chủ yếu thông qua tuyến giao thông quốc lộ 6, đây là tuyến đường được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, có độ dốc dọc lớn, bán kính cong nhỏ, đường nhiều khúc cua nguy hiểm, tầm nhìn hạn chế, tốc độ lưu thông thấp; hàng năm còn bị ảnh hưởng của hiện tượng sạt lở, sương mù ở những vị trí đèo núi cao, hiểm trở, là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông trên tuyến.
Ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định nhiệm vụ đến năm 2030, hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La. Mặt khác, theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc đoạn Hòa Bình – Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng hoàn thành trước năm 2030.
Với ý nghĩa quan trọng trong việc đầu tư xây dựng tuyến đường, tỉnh Sơn La đã phối hợp với tỉnh Hòa Bình chuẩn bị các công việc để trình cấp có thẩm quyền đầu tư dự án. Tỉnh Sơn La đã có văn bản đề xuất cấp có thẩm quyền giao cho UBND tỉnh Sơn La là cơ quan chủ quản để triển khai công tác lập chủ trương đầu tư dự án tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La bằng ngân sách Trung ương kết hợp ngân sách địa phương. Tuyến đường được triển khai hoàn thành còn có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển hành lang kinh tế Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên mà Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đã xác định và cũng là mong mỏi của cử tri và nhân dân tỉnh Sơn La.
Để sớm triển khai các thủ tục đầu tư, trân trọng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét quyết định giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan chủ quản để triển khai công tác lập chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời, trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét nhất trí đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 231 về phân bổ số vốn còn lại Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 đối với một số dự án cao tốc trọng điểm đó là: Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn sau khi đủ điều kiện giao vốn (trong đó có 1.700 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Sơn La).
Để góp phần tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng, cũng như quan điểm chỉ đạo về phân cấp, phân quyền, thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả và xử lý các vấn đề liên kết vùng, như Nghị quyết số 29-NQ/TW 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đã nêu “Hoàn thiện cơ chế, chính sách, thí điểm thực hiện các cơ chế phù hợp để tạo đột phá cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đường bộ, đường sắt. Rà soát, sửa đổi pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định liên quan theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng…”; ngày 08/5/2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 199/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (trong đó có thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Vì vậy, trân trọng kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, quyết định để kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc về hạ tầng giao thông tại các địa phương, trong khi chờ đợi sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan.
* Đầu đề do tòa soạn đặt