Ngày 30-6, người dân Pháp đi bầu cử Quốc hội vòng một trước thời hạn.
Theo danh sách công bố, vòng một bầu cử sớm có sự tham gia của 4.011 ứng cử viên, giảm mạnh so với tổng số 6.293 ứng cử viên năm 2022. Nguyên nhân là các nhóm chính trị không có đại diện trong Quốc hội vừa giải tán không kịp chọn ứng cử viên.
Vòng hai sẽ được tổ chức ngày 7-7. Ứng cử viên có nhiều phiếu bầu nhất ở vòng hai sẽ giành được ghế đại biểu quốc hội. Kết quả cuộc bầu cử 2 vòng dự kiến có thể tác động đến thị trường tài chính châu Âu, sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine và cách quản lý kho vũ khí hạt nhân và lực lượng quân sự trên toàn cầu của Pháp.
Kết quả thăm dò dư luận do công ty nghiên cứu thị trường và thăm dò quốc tế Ifop thực hiện cho thấy sẽ có khoảng 64% số cử tri đi bỏ phiếu tại vòng một, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 51,5% tham gia bầu cử Nghị viện châu Âu vừa diễn ra và 47,5% tại vòng một bầu cử lập pháp năm 2022.
Theo số liệu của Viện Điều tra quan điểm và thị trường trong nước và toàn cầu của Pháp, đảng trung hữu của Tổng thống Macron có thể giành được 20% phiếu bầu, đứng sau Liên minh Mặt trận Bình dân mới với 28% phiếu bầu. Đảng Tập hợp quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen có thể giành chiến thắng với 36% số phiếu bầu.
Tổng thống Macron đã quyết định tổ chức cuộc bầu cử sau khi liên minh ôn hòa của ông thất bại trước lực lượng cánh hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Ông Macron khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chức trách cho tới thời điểm kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5-2027, bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này.
Nếu đảng Tập hợp quốc gia giành đa số ở quốc hội, ông Macron cần chỉ định Thủ tướng từ đảng này. Tổng thống Macron vẫn giữ quyền quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng sẽ gặp trở ngại trong quyết định chính sách trong nước, gồm cả kinh tế và an ninh quốc gia.
THANH HẰNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cu-tri-phap-bau-quoc-hoi-moi-post747111.html