Bộ Nội vụ vừa có trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, liên quan đến việc đảm bảo đời sống cho người lao động trong khu vực công, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể, Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri các tỉnh: Thái Bình, Tây Ninh, Bình Dương, Vĩnh Long với nội dung phản ánh, việc điều chỉnh tăng lương chưa kết hợp chặt chẽ với việc kiểm soát giá cả thị trường, dẫn đến tình trạng khi chính sách tiền lương vừa được thông qua, và chưa có hiệu lực thi hành thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã tăng.
Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường…, để việc tăng lương bảo đảm mục đích, ý nghĩa nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Cử tri các địa phương cũng đề nghị Chính phủ khi điều chỉnh chính sách tiền lương cần phải tính đến việc bảo đảm quyền lợi cho những đối tượng đang có phụ cấp.
Cùng nội dung này, cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng nêu vấn đề, việc cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức là vô cùng cấp thiết và nên đi trước sự phát triển chung. Bởi khi đời sống của cán bộ, công chức, viên chức được đáp ứng về vật chất, tinh thần, họ sẽ cống hiến hết thời gian, trí tuệ, năng lực cho công việc, cho các chỉ tiêu phát triển ngày càng lớn của đất nước.
Đồng thời, hạn chế việc cán bộ, công chức, viên chức phải làm thêm nhiều việc bên ngoài để có thêm thu nhập, hoặc có biểu hiện, hành vi thực hiện tham nhũng, tiêu cực…
Cử tri đề nghị sớm quan tâm thực hiện việc cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời kiểm soát giá để tránh việc lương chưa tăng, giá tăng trước, tăng cao.
Trả lời nội dung đại biểu nêu, Bộ Nội vụ cho biết, căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế – xã hội năm 2023 – 2024, và Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội khóa XV về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, thì từ ngày 1/7/2024 thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Theo nhiệm vụ được phân công, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình cấp có thẩm quyền và triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới (trong đó có nội dung về thang, bậc lương, phụ cấp lương như ý kiến cử tri nêu) đối với cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Những điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7
Việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Điểm đáng chú ý nhất của chính sách tiền lương mới là quy định mức lương thấp nhất khu vực công sẽ bằng lương tối thiểu bình quân vùng của khối doanh nghiệp.
Hiện nay lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp hiện nay là hơn 3,9 triệu đồng.
Đầu tháng 2, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã gửi báo cáo tới Chính phủ về việc xem xét mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 do Hội đồng đề xuất là 6%, tương ứng mức tăng từ 200.000 – 280.000 đồng tùy theo từng vùng. Nếu đề xuất này được thông qua, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng, đồng nghĩa với mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp cũng sẽ tăng cao hơn mức 3,9 triệu đồng hiện nay.
Ngoài ra, chính sách tiền lương mới cũng mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 – 2,34 – 10 hiện nay lên 1 – 2,68 – 12. Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.
Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.
Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.
Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Phụ cấp theo chế độ tiền lương mới sẽ có 9 loại gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập; phụ cấp áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang.
Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).
Hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo sẽ được xây dựng để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới nhưng bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm 5 bảng lương mới.
Dự tính 5 bảng lương này sẽ áp dụng với 9 đối tượng gồm: Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo; Công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; Sĩ quan công an; Hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; Chuyên môn kỹ thuật công an; Sĩ quan quân đội; Quân nhân chuyên nghiệp; Công nhân quốc phòng; Công nhân công an.
Một điểm đáng chú ý nữa là từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.
Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.
Ngoài ra, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương cũng sẽ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công; thay đổi mức đóng BHYT…
T.M