Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, cử tri TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT vì hiện nay bằng tốt nghiệp THPT rất phổ biến nhưng thực tế không có nhiều ý nghĩa, mỗi năm cả nước vẫn phải tốn rất nhiều tiền để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, do đó, nên tạo điều kiện chuyển về cho các địa phương tổ chức kỳ thi.
Trước kiến nghị trên, Bộ GD&ĐT cho rằng, nhìn lại quá trình giáo dục ở bậc phổ thông nước ta hiện nay, không có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và trung học cơ sở, chỉ khi kết thúc lớp 12 thì mới tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Do đó, việc tổ chức kỳ thi này là cần thiết để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.
Theo Bộ GD&ĐT, nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT và tỷ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.
Việc phân hóa này rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng nâng cao (không có điểm dừng của chất lượng giáo dục).
Thêm nữa, nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận nhỏ học sinh phổ thông, nhất là học sinh các lớp THPT không học (không thi, không học).
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.
Trong đó xác định đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là khâu đột phá, tác động tích cực trở lại đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
Bộ GD&ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia thực hiện theo lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông;
Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng dạy học giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.
Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi để tuyển sinh trên tinh thần tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho Kỳ thi THPT quốc gia.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2020, 2021, 2022 được tổ chức thành công, đạt mục tiêu kép vừa bảo đảm nghiêm túc, khách quan vừa an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Theo đó, kỳ thi được tổ chức tại các địa phương, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo chung và ra đề thi cho kỳ thi;
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi ở địa phương, thực hiện tất cả các khâu đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT;
Các trường đại học, cao đẳng tham gia thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo điều động của Bộ GD&ĐT để góp phần tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, bảo đảm kết quả thi trung thực, khách quan, tin cậy, bảo đảm phục vụ tốt cho các mục đích tổ chức thi, nhất là tham khảo sử dụng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hằng năm theo tinh thần tự chủ.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022;
Đồng thời, triển khai xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm đúng định hướng xuyên suốt, thống nhất về đánh giá kết quả giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông 2018, cung cấp thông tin chính xác, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Kết quả thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục;
Các bên liên quan tham khảo, sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác nhau phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT.
Hiện nay Bộ GD&ĐT đang tổ chức tham khảo ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà quản lý, thầy cô giáo, các nhà trường và toàn xã hội để tiếp tục hoàn thiện Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét; đồng thời, triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt ngay từ năm 2023 để thực hiện hiệu quả Phương án.