Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 22.5 tới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh, thông báo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp, báo cáo kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri tại kỳ tiếp xúc trước.
Tại các điểm tiếp xúc, nhiều ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm của cử tri đã được Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận, tổng hợp, qua đó phục vụ cho các hoạt động của đại biểu và Đoàn ĐBQH tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Cần bố trí lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại các phiên toà
Đây là kiến nghị của cử tri Nguyễn Thế Tân (Đoàn Luật sư Tây Ninh) tại buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH ngày 25.4 vừa qua. Luật sư Nguyễn Thế Tân cho biết, tình hình bảo vệ an ninh trật tự, an toàn cho các phiên toà xét xử hiện nay chưa được bảo đảm, chưa thực sự được quan tâm. Đặc biệt, hoàn toàn không có lực lượng cảnh sát bảo vệ an ninh cho các phiên toà dân sự.
Thực tế, thời gian qua, đã có những vụ việc đau lòng, thậm chí là án mạng xảy ra tại toà án. Cụ thể, vụ án mạng xảy ra tại trụ sở TAND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Đây là một vụ án dân sự liên quan đến vay tài sản nhưng trong quá trình hoà giải, hai bên xảy ra cự cãi to tiếng do có nhiều mâu thuẫn trước đó, đối tượng không kiềm chế được đã dùng dao đâm chết người vợ và làm hai người khác bị thương, trong đó có một thẩm phán.
Tại Tây Ninh, mặc dù chưa xảy ra tình trạng nghiêm trọng như trên hoặc đánh nhau tại phiên toà, nhưng việc cãi vã, lớn tiếng giữa các đương sự ngay tại phiên xét xử là có. “Với thái độ, hình ảnh như vậy ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử của phiên toà và tính tôn nghiêm của pháp luật, của Toà án.
Từ thực tế này, đề nghị ĐBQH phản ánh đến các cơ quan của Quốc hội và TAND tối cao có quy định, cơ chế bắt buộc các phiên toà phải có lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, an toàn cho phiên xét xử, kể cả phiên toà dân sự”- luật sư Nguyễn Thế Tân nêu ý kiến.
Đại diện Đoàn ĐBQH tiếp thu, cho biết sẽ chuyển ý kiến của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, cụ thể là TAND tỉnh và Công an tỉnh phối hợp thực hiện tốt việc bảo đảm an ninh trật tự tại các phiên toà trên địa bàn.
Cán bộ Công an làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip cho công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Chấn chỉnh hoạt động cho vay thế chấp tài sản
Mới đây, Công an tỉnh đồng loạt kiểm tra các chi nhánh, điểm giao dịch của Công ty F88 trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy các cơ sở kinh doanh của Công ty tài chính F88 hoạt động là tín dụng khác, hình thức “cho vay cầm cố tài sản” với lãi suất 1,1%/tháng, tài sản thế chấp là xe mô tô, ô tô.
Tuy nhiên, đa số các cơ sở đều không có kho, bãi để quản lý tài sản cầm cố nên sẽ yêu cầu người vay thuê lại tài sản nhằm thu thêm lợi nhuận (phí thẩm định hồ sơ là 1,4% và phí quản lý tài sản cầm cố 5%). Để có được tiền vay, người cầm cố tài sản phải đồng ý theo yêu cầu của cơ sở.
Qua theo dõi thông tin này, cử tri Phan Văn Vĩnh (Đoàn Luật sư Tây Ninh) cho biết, phương thức cho vay như trên dẫn đến nhiều người mất tài sản, thậm chí một số trường hợp bị mất nhà, mất đất. Cử tri đề nghị cần có giải pháp chấn chỉnh hoạt động cho vay, thế chấp tài sản có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tiếp thu ý kiến cử tri và trả lời làm rõ nội dung trên tại buổi tiếp xúc, ĐBQH Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH cho rằng, một số người dân- nhất là những người đang túng quẫn, cần vay tiền gấp đã không nghiên cứu kỹ các hợp đồng dẫn đến bị lợi dụng, đưa vào các điều khoản hợp đồng bất lợi cho người vay.
Đây là dấu hiệu của tội phạm lừa đảo. Lãnh đạo tỉnh đã nắm tình hình thực tế và chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thông tin tuyên truyền, cảnh báo, đề cao cảnh giác cho người dân để không trở thành nạn nhân; chỉ đạo các cơ quan Tư pháp khi giải quyết các vụ tranh chấp này phải thực sự thận trọng, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích của người yếu thế.
Đồng thời, xem đây là nhóm hành vi có nguy cơ tội phạm, đưa vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu 4 giảm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, lực lượng chức năng của tỉnh tập trung chấn chỉnh “tín dụng đen”, nghiên cứu phương thức thủ đoạn để có giải pháp đấu tranh ngăn chặn; chấn chỉnh hoạt động của các văn phòng công chứng trên địa bàn. Tuy nhiên, giải pháp tốt nhất vẫn là phòng ngừa, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Một phiên toà xét xử vụ án hình sự tại TAND tỉnh được bố trí lực lượng cảnh sát bảo vệ.
Tích cực đóng góp cho dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, được Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì thẩm tra, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 7 chương 45 điều được xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tiếp xúc cử tri chuyên đề tại Công an tỉnh, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin tới cử tri những điểm mới của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) mở rộng đối tượng áp dụng, ngoài áp dụng với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Dự thảo có sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích khái niệm; nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam; lược bỏ vân tay, sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân; bổ sung quy định về cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi; bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định (thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, chứng nhận đăng ký kết hôn…); bổ sung quy định về căn cước công dân điện tử; đề xuất chứng minh nhân dân sử dụng đến hết ngày 31.12.2024…
Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ Công an cũng như các sở, ngành về các dự thảo luật liên quan trực tiếp đến lực lượng Công an, trong đó có dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Cử tri ngành Công an đề nghị sửa chữ “nền tảng” thành “số định danh cá nhân” (điểm đ, khoản 3, Điều 11); bổ sung quy định về trách nhiệm của công dân đủ 14 tuổi phải đi làm căn cước công dân (Điều 17); cần quy định rõ một số nội dung, lĩnh vực cụ thể đối với việc cấp thẻ căn cước công dân theo nhu cầu của công dân dưới 14 tuổi (khoản 2, Điều 20)…
Đặc biệt, trước đó, từ phản ánh, kiến nghị của Công an Tây Ninh về công tác quản lý người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam đã được Trung ương ghi nhận, đưa vào dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Ngoài các nội dung nổi bật trên, cử tri tỉnh nhà cũng nêu một số ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương về điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng Huy hiệu Thanh niên xung phong vẻ vang; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; phản ánh khó khăn của doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng; kiến nghị việc giao đất công cho các hợp tác xã, đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên v.v
Phát biểu tại các buổi tiếp xúc cử tri vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái cho biết, đoàn tiếp thu và trân trọng các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh nhà. Thông qua các ý kiến phản ánh của cử tri, Đoàn ĐBQH cũng đã có nhiều kiến nghị được Chính phủ, các bộ, ngành tiếp thu, giúp tháo gỡ những khó khăn, bất cập từ trong thực tiễn thực thi chính sách, pháp luật, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, của đất nước.
Phương Thúy