(QNO) – Sáng nay 26/6, tại hội trường UBND xã Duy Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Quảng Nam gồm các đại biểu Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn có buổi tiếp xúc với cử tri 3 xã Duy Thành, Duy Nghĩa, Duy Hải của huyện Duy Xuyên sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh, ông Dương Văn Phước báo cáo khái quát với cử tri huyện Duy Xuyên kết quả của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo ông Phước, sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22/5 – 10/6 và đợt 2 từ ngày 19 – 24/6) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp Quốc hội vừa qua đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Quốc hội đã xem xét thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Đồng thời, giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và một số nội dung quan trọng khác…
Bức xúc từ các dự án dang dở
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri huyện Duy Xuyên nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc, bức xúc phát sinh từ thực tiễn cuộc sống và rất cần các cơ quan có trách nhiệm quan tâm giải quyết.
Cử tri xã Duy Nghĩa cho biết, hiện nay đa số dự án trên địa bàn xã đều tạm dừng thi công, trong đó có một số công trình, hạng mục đang thi công dở dang. Điều này làm người dân hết sức lo lắng.
Đáng chú ý, tại các dự án ở xã Duy Nghĩa, hiện có một số hộ dân nhà ở đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng trong mùa mưa bão và các hộ này có nhu cầu xin được bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống nhưng không được giải quyết. Một số dự án đã được kiểm kê, thông báo áp giá từ năm 2017 – 2018 nhưng không thực hiện chi trả tiền đền bù và giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Tấn Anh – Phó Chủ tịch HĐND xã Duy Nghĩa nói, ngày 8/10/2008 cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (1/2000) khu dân cư làng chài xã Duy Nghĩa với quy mô dự án 721ha. Tuy nhiên, đến nay đã 15 năm nhưng chưa có văn bản nào đề cập đến việc có tiếp tục thực hiện dự án hay không và có còn hiệu lực hay không.
Cũng theo ông Anh, khu nghĩa trang nhân dân vùng đông được quy hoạch khoảng 48ha phục vụ nhân dân các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Dương (Thăng Bình) và đã được đầu tư xây dựng từ năm 2012. Trong đó, xã Duy Nghĩa có 17,5ha và đến nay đã sử dụng hết. Do vậy, cử tri địa phương đề nghị tỉnh quan tâm quy hoạch mở rộng khu nghĩa trang nhân dân này để có quỹ đất bố trí việc mai táng người quá cố.
“Liên quan đến vùng dự án, đó là vấn đề tạm dừng nhập khẩu và tách khẩu theo Công văn số 374 (ngày 21/3/2017) của UBND huyện Duy Xuyên. Đến nay, việc tạm dừng này vẫn chưa thay đổi. Kính đề nghị quý cấp xem xét để người dân thực hiện các quyền theo Luật Cư trú” – ông Anh nói thêm.
Trên cơ sở ý kiến của cử tri, ngày 29/7/2022 Bộ NN&PTNT có Công văn số 4927 trả lời về đề nghị xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng kè bờ biển phía Nam sông Cửa Đại thuộc thôn Trung Phường (xã Duy Hải) với nội dung: “Nguồn vốn đầu tư công của Bộ NN&PTNT đã phân bổ hết. Vì vậy, đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam có ý kiến với HĐND và UBND tỉnh chủ động cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách của tỉnh hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý cấp bách những vị trí sạt lở nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân”.
Theo cử tri xã Duy Hải, hiện nay đoạn từ cuối bờ kè An Lương đến thôn Trung Phường giáp biển Cửa Đại chiều dài khoảng 1,1km, có 58 hộ dân bị ảnh hưởng, thời gian qua đã sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền khoảng 70m. Do vậy, tỉnh cần sớm quan tâm bố trí ngân sách để đầu tư xử lý.
Ông Đinh Công Trúc – Phó Chủ tịch HĐND xã Duy Hải nêu ý kiến, hiện nay trên địa bàn xã có hơn 200 trường hợp nhà ở nằm trong vùng đã công bố quy hoạch bị xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới. Nguyện vọng của nhân dân là muốn được bàn giao đất cho nhà nước để vào các khu tái định cư hoặc cho nhân dân sửa chữa nhà ở nhưng vẫn chưa được giải quyết.
“Kính đề nghị tỉnh cho chủ trương về những trường hợp được phép xây mới hoặc sửa chữa nhà cửa vì đất đai, vật kiến trúc, nhà ở, cây cối… đã kiểm kê gần 10 năm nay nhưng các dự án cứ kéo dài” – ông Trúc nói.
Cũng theo ông Trúc, hiện nay phần lớn diện tích đất của xã Duy Hải đã nằm trong vùng quy hoạch các dự án, ngoài việc không được sửa chữa, xây mới nhà ở thì người dân cũng không được tách thửa, chuyển nhượng, tặng cho đất đai. Thế nhưng, thực tế rất nhiều nơi đã quy hoạch nhiều năm nhưng không triển khai dự án, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là trên địa bàn các thôn An Lương, Trung Phường và một phần của thôn Thuận Trì.
Bất cập ở các khu tái định cư
Nhiều cử tri xã Duy Nghĩa cho hay, hiện nay cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các khu tái định cư trên địa bàn xã chưa đảm bảo nhu cầu thiết yếu. Trong đó, bức xúc nhất là vấn đề nước sạch, những năm qua người dân phải tự khai thác nước ngầm tại chỗ để sử dụng chứ chưa có nước thủy cục. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn rất nặng và quá bẩn, ảnh hưởng sức khỏe.
Đáng nói, hạ tầng kỹ thuật tại các khu tái định cư chưa hoàn thiện, các dự án thi công dở dang nên gây ngập úng cục bộ vào mùa mưa lụt, làm ảnh hướng đến đời sống và sản xuất của người dân, gây bức xúc trong nhân dân mà cử tri đã nhiều lần kiến nghị. Hệ thống cống trong khu tái định cư chưa thông suốt nên bị ứ đọng chất thải sinh hoạt, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường ở khu dân cư.
Cử tri xã Duy Nghĩa cũng thông tin, hiện nay khu tái định cư Duy Hải giai đoạn 3 (nằm trên địa bàn xã Duy Nghĩa) không có đường nối từ đường Võ Chí Công vào nên rất khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Tấn Anh – Phó Chủ tịch HĐND xã Duy Nghĩa cho biết, thời gian qua hệ thống đèn điện chiếu sáng vào ban đêm tại các khu tái định cư của xã cũng chưa có nên thường xảy ra tai nạn giao thông, trộm cắp, mất an ninh trật tự làm nhân dân lo lắng.
Còn ông Đinh Công Trúc – Phó Chủ tịch HĐND xã Duy Hải cho hay, toàn xã hiện còn 178 trường hợp người dân đã vào các khu tái định cư, đã xây dựng nhà ở kiên cố nhiều năm nay và đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính liên quan nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Nhiều hộ dân đã cầm cố tài sản, vay mượn để làm nhà, nợ chồng nợ nhưng quyền lợi của người dân không được giải quyết. Lý do cấp trên trả lời là do vướng cơ chế chính sách, các văn bản luật. Trách nhiệm này theo nhân dân là thuộc về nhà nước. Thực tế hiện nay nhiều luật, nhiều văn bản không đồng bộ, thậm chí vênh nhau, sợ trách nhiệm và hậu quả thuộc về người dân. Kính đề nghị lãnh đạo cấp trên quan tâm giải quyết” – ông Trúc nói.
Đồng chí Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận các ý kiến phản ánh của cử tri huyện Duy Xuyên và chân thành chia sẻ với những khó khăn, bức xúc của người dân từ thực tiễn cuộc sống, nhất là đối với các hộ dân trong vùng dự án.
Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các sở ban ngành liên quan, chính quyền huyện Duy Xuyên và các xã thời gian tới cần tập trung tháo gỡ những bất cập, vướng mắc phát sinh…