Báo cáo tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông; ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.
Việc xây dựng và ban hành hai Luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước một cách rõ ràng, cụ thể, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm cả hai lĩnh vực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Liên quan đến bố cục, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh nêu rõ, Dự thảo Luật gồm 8 chương, 62 điều, quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn gia thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, dự thảo đã bổ sung nhiều điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cụ thể: So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ người dân; Cụ thể hóa những biện pháp, cơ chế tổ chức giao thông an toàn, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông và khắc phục các bất cập là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông;…
Cho ý kiến tại hội thảo, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm đáp ứng đòi hỏi tất yếu, khách quan của thực tiễn, phù hợp với sự thay đổi, vận động, phát triển của xã hội để đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ trong tình hình mới.
Lưu ý vấn đề bảo vệ môi trường đang được quan tâm, thực tế phương tiện không đủ điều kiện về bảo vệ môi trường chưa được quy định rõ và chưa có chế tài, chưa được xử lý nghiêm khắc, các đại biểu kiến nghị dự thảo cần quy định cụ thể về bảo vệ môi trường của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cơ giới đường bộ, chế tài xử lý, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cũng tại hội thảo, các ý kiến còn đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe, sử dụng làn đường… Theo đó, các chuyên gia nhấn mạnh, quy định cần bao quát đầy đủ tình huống theo thực tế, tránh gây tranh cãi khi áp dụng.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý toàn diện, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, kết quả của hội thảo sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ, trở thành nguồn thông tin tham khảo quý báu phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.