“Ế” chỉ vì vé máy bay ?
Đã nửa tháng trôi qua kể từ ngày cuối cùng khép lại kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, TP.Phú Quốc vẫn chưa hết hụt hẫng với kết quả “đội sổ” của ngành du lịch tỉnh. Trong 5 ngày nghỉ lễ, tổng lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh này giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022, riêng TP.Phú Quốc giảm 11,5% lượng khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch giảm tới 24,3%.
Không chỉ thị trường nội địa, lượng khách quốc tế đến Kiên Giang đang giảm dần. Đường bay kết nối đến Phú Quốc hiện chỉ còn Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan; đường bay từ Ấn Độ đến Phú Quốc đang tạm dừng do vắng khách; các chuyến bay thuê bao (charter) kết nối Đài Loan đến Phú Quốc cũng đang tạm dừng (chỉ bay được 10 chuyến); đường bay kết nối Hồng Kông đến Phú Quốc dự kiến bay vào ngày 27.4 đã không diễn ra theo kế hoạch.
Thực tế, từ trước lễ, UBND TP.Phú Quốc đã dự báo lượng khách có thể giảm tới 30%, nguyên nhân chính được cho là do giá vé máy bay đến Phú Quốc giai đoạn vừa qua cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tại cuộc họp trao đổi các vấn đề phát triển du lịch do UBND TP.Phú Quốc tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng một lần nữa khẳng định nguyên nhân chính khiến Phú Quốc “thất thế” mùa lễ 30.4 – 1.5 vừa qua là do giá vé máy bay tăng quá cao. Ngoài ra còn do dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng tăng trở lại và học sinh các nơi chuẩn bị bước vào các kỳ thi cuối năm.
“Chính vì thế, chúng tôi mong muốn các hãng bay có giải pháp đưa giá vé máy bay về mức hợp lý nhất để các công ty lữ hành có thể đưa ra một mức giá trọn gói phù hợp cho du khách, nhằm kéo khách trở lại với Phú Quốc”, ông Hưng nói.
Ghi nhận thực tế từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – marketing và công nghệ thông tin thuộc TST Tourist, cho biết tour từ thị trường TP.HCM đến Phú Quốc hiện vẫn có nhiều nhưng lượng khách không còn dày như trước. Trong khi đó, tour từ đầu Hà Nội ghi nhận giảm nghiêm trọng.
Ông Mẫn cũng đồng tình rằng nếu chỉ xét dịp lễ vừa qua, vé máy bay quá cao là nguyên nhân chính khiến lượng khách tới Phú Quốc sụt giảm. Cụ thể, khách đến Phú Quốc trước giờ chủ yếu từ 3 nguồn: charter từ nước ngoài đưa khách quốc tế đến; khách từ đầu phía bắc bay thẳng Hà Nội – Phú Quốc và nguồn khách bay từ đầu TP.HCM. Sau dịch, dù các đường bay quốc tế đã phục hồi hoàn toàn nhưng các chuyến charter từ Nga đã không còn nhiều, tính chất charter từ các quốc gia khác cũng thay đổi, thể hiện rõ qua sự sụt giảm khách quốc tế. Cùng lúc, chi phí hàng không đường bay dài từ Hà Nội – Phú Quốc tăng cao đột ngột, khiến lượng lớn khách từ thị trường phía bắc thay đổi quyết định.
“Trên bức tranh khách quan như vậy, tổng lượng khách đến Phú Quốc sụt giảm mạnh là điều tất yếu”, ông Nguyễn Minh Mẫn nói.
Tuy nhiên, về mặt nội tại, tình trạng chặt chém, loạn giá dịch vụ, ô nhiễm môi trường, an ninh xã hội cũng là những vấn đề mà ông Mẫn cho rằng Phú Quốc cần giải quyết sớm nếu muốn thu hút du khách trở lại, đặc biệt là khách quốc tế.
“Ngủ quên” trên những sản phẩm đẳng cấp
Đáng nói, nếu nhìn vào tổng kết của ngành du lịch trên khắp cả nước, Phú Quốc – Kiên Giang là địa phương hiếm hoi ghi nhận sự sụt giảm lượng khách trầm trọng mùa lễ này. Thời điểm lãnh đạo Phú Quốc “nín thở” trông hàng không, Khánh Hòa cũng lo ngại vé máy bay tăng giá có thể khiến lượng khách tới Nha Trang chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2022. Thế nhưng, kết thúc kỳ nghỉ lễ, Khánh Hòa đã bứt tốc thắng lớn khi thu hút gần 800.000 lượt khách, gấp gần 3 lần kết quả dịp lễ 30.4 – 1.5 năm 2022 dù kỳ nghỉ chỉ dài hơn có 1 ngày. Đà Nẵng, một trong những địa phương cũng chịu áp lực lớn từ giá vé máy bay tăng cao nhưng vẫn ghi nhận tỷ lệ tăng về lượng khách tới hơn 26%.
Ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn du lịch các tỉnh ĐBSCL, nhìn nhận không thể phủ nhận vai trò của hàng không trong việc thu hút, phát triển du lịch Phú Quốc. Về mặt nguồn cung, Phú Quốc có rất nhiều loại hình dịch vụ đang phát triển. 70% khách sạn trên 3 sao của cả vùng ĐBSCL tập trung ở Phú Quốc. Lượng phòng lưu trú hạng 4 – 5 sao rất nhiều. Trong chuỗi giá trị du lịch, lưu trú chiếm khoảng 40 – 50% mức chi tiêu của khách nhưng phần lớn khách sạn, resort của Phú Quốc có giá phòng khoảng 2 triệu đồng/đêm, chiếm tới hơn 50% mức chi tiêu trong ngày của khách.
Điều đó đồng nghĩa du lịch Phú Quốc hướng tới đối tượng khách cao cấp, túi tiền “căng” và thường là khách đi máy bay. Giá lưu trú vốn đã cao, cộng thêm giá vé máy bay bất ngờ tăng mạnh khiến đảo ngọc trở thành điểm đến quá đắt đỏ. Tour Phú Quốc trở thành tour ngoài sức chi trả của nhiều khách trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Sau giai đoạn nhu cầu du lịch bật dậy như lò xo hậu Covid-19, người dân giờ có nhiều thời gian để cân nhắc và giá cả tác động không nhỏ tới quyết định lựa chọn của họ.
Tuy nhiên, đánh giá xuyên suốt cả quá trình, ông Phan Đình Huê nhận định nội tại ngành du lịch Phú Quốc còn nhiều bất cập. Việc giá vé máy bay tăng mất kiểm soát là biểu hiện của liên kết lỏng lẻo giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong chuỗi giá trị du lịch mà trách nhiệm nằm ở khâu tổ chức, liên kết của địa phương. Bên cạnh đó, những hình ảnh tiêu cực về giá cả, môi trường, an ninh xã hội gần đây khiến đảo ngọc dần mất đi hình ảnh điểm đến an toàn, thiên đường nghỉ dưỡng, đến chỉ cần chơi, không phải lo gì.
Thay vì làm từ từ, làm vừa phải, áp lực nguồn cung đã khiến quy hoạch của Phú Quốc “ngợp” trong các dự án. Rừng và biển mới là thứ khách cần, là thứ kéo khách đến Phú Quốc. Chính việc không giữ được quy hoạch tốt trong nhiều năm đang khiến du lịch Phú Quốc phải trả giá.
Ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn du lịch các tỉnh ĐBSCL
Đặc biệt, chiến lược phát triển điểm đến du lịch Phú Quốc chưa tốt. Trong khi Hội An dù mở rộng nhiều sản phẩm du lịch đa dạng tới đâu vẫn luôn chú trọng đẩy phần “hồn cốt” là phố cổ Hội An; Đà Nẵng chủ trương thúc thật mạnh du lịch MICE thông qua hệ thống cơ sở lưu trú và các sự kiện phục vụ loại hình này… thì Phú Quốc vẫn chưa xây dựng được điểm đến theo chủ đề thống nhất, chưa tạo dựng được hình ảnh điểm đến có đặc trưng.
Nhiều năm qua, hình ảnh du lịch Phú Quốc gắn liền với rừng và biển nhưng vài năm trở lại đây, địa phương này liên tục cấp phép cho các dự án lấn rừng, lấn biển. Đến Phú Quốc giờ đi đâu cũng thấy bê tông hóa, không khác gì các đô thị khác như TP.HCM, Hà Nội. Công trình vi phạm, sai phép lọt chọt khắp nơi. Thậm chí hòn đảo này còn được coi là nơi hấp dẫn để đầu cơ bất động sản.
Câu chuyện của Phú Quốc cũng là bài học cho nhiều điểm đến nếu không rút kinh nghiệm phát triển bền vững ngay từ bây giờ.