Do công việc dạy học xa nhà và không đảm bảo thu nhập trang trải cuộc sống, anh Phạm Văn Tỉnh (ở Thanh Hóa) đã quyết định “rẽ ngang”, bỏ việc về quê gom phân bò nuôi giun quế.
Bỏ nghề về nuôi giun
Đến xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) hỏi anh Phạm Văn Tỉnh, ai cũng biết, bởi anh là một điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương, với mô hình nuôi giun quế. Hiện nay, mô hình của anh đang giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động và thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chia sẻ về mô hình nuôi giun quế của mình, anh Phạm Văn Tỉnh cho biết, cách đây hơn 10 năm, khi đang là giáo viên ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa (cách nhà khoảng 200km), anh đã quyết định xin nghỉ việc, về quê tìm hiểu cách nuôi giun quế.
“Thực sự trước khi đưa ra quyết định trên, tôi đã cân nhắc khá nhiều, do công việc giảng dạy xa nhà, thu nhập thấp và không đảm bảo được cuộc sống. Rồi tình cờ tôi biết được mô hình nuôi giun quế qua sách báo, có thể mang lại thu nhập cao. Ngay sau đó, tôi nghỉ nghề giáo về quê học tập nuôi giun” – anh Tỉnh chia sẻ.
Cũng theo anh Tỉnh, khi biết anh sẽ nghỉ dạy học gia đình, bạn bè đã khuyên khá nhiều, tuy nhiên, sau khi anh giải thích, mọi người đã phẩn nào hiểu được và ủng hộ. Sau khi bỏ nghề giáo về quê, đầu năm 2008, anh khăn gói vào các tỉnh phía Nam để học kinh nghiệm nuôi giun quế. Trải qua vài tháng học hỏi, anh về quê và quyết định cắm sổ đỏ vay mượn ngân hàng (được hơn 200 triệu đồng) và bắt đầu xây chuồng trại nuôi giun, trên chính mảnh đất rộng chừng 300m2 của gia đình.
Thu lời hàng trăm triệu
Công việc nuôi giun bước đầu đã thành công, khi vài tháng sau, anh đã cho ra “mẻ” giun đầu tiên. Những tưởng công việc sẽ “thuận chèo mát mái”, nhưng khó khăn mới bắt đầu vì nuôi giun ra mà không tìm được chỗ bán. “Suốt 4 năm trời, cứ chạy ngược, chạy xuôi để tìm thị trường cho giun, bao nhiêu vốn liếng, thậm chí đi vay mượn tôi dồn hết vào giun, nhưng càng làm càng lỗ” – anh Tỉnh nhớ lại.
Quyết chí không nản lòng, anh Tỉnh đã rong ruổi đi khắp nơi tìm kiếm thị trường để bán. Với sản phẩm giun quế, anh tìm đến các trang trại nuôi tôm để giới thiệu, còn sản phẩm phân hữu cơ từ nuôi giun anh tìm đến các trang trại trồng rau sạch. Đến cuối năm 2012, những nỗ lực của anh cũng được đền đáp, khi một số trang trại nuôi tôm và trồng rau hữu cơ bắt đầu tìm đến đặt hàng, mua sản phẩm.
Sau hơn 1 thập kỷ cố gắng, hiện nay trang trại nuôi giun quế của anh Tỉnh đã mở rộng quy mô khoảng 1.000m2, các sản phẩm (gồm giun quế và phân hữu cơ), cung ứng ra thị trường khắp các tỉnh từ Nam ra Bắc. Bình quân mỗi năm, anh Tỉnh sản xuất 2 vụ giun quế và cho ra các sản phẩm như giun tươi, giun khô và phân hữu cơ.
Đối với giá bán giun quế tươi hiện nay dao động khoảng từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg, giun khô từ 200.000 đến 300.000 đồng/kg, thị trường cung ứng là các trang trại chăn nuôi tôm, cá. Ngoài ra, sau khi thu hoạch giun quế, trang trại anh Tỉnh còn thu về sản phẩm phân hữu cơ để bán cho các trang trại, nhà vườn làm rau sạch.
Bên cạnh nuôi giun quế, hiện nay anh Tỉnh cũng đang phát triển thêm mô hình nuôi lươn không bùn và bao tiêu đầu ra cho khoảng 15 trang trại của người dân ở địa phương. Theo anh Tỉnh, các mô hình trên đã mang về cho anh lợi nhuận khoảng 500 triệu mỗi năm.
Theo ông Lê Trung Kiên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, anh Phạm Văn Tỉnh là tấm gương điển hình về thanh niên làm kinh tế giỏi ở địa phương. Mô hình của anh không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động ở địa phương. Hiện nay, địa phương cũng đang tuyên truyền, khuyến khích người dân học tập và làm mô hình này để phát triển kinh tế.
Laodong.vn