HÀ NAMCụ ông Nguyễn Ngọc An 74 tuổi, đóng vai vua xuống đồng cày ruộng khai hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024, mở đầu cho vụ mùa mới.
Sáng 16/2 (mùng 7 Tết Giáp Thìn), tại cánh đồng thôn Đọi Tín, xã Tiên Sơn, UBND xã Duy Tiên tổ chức lễ hội Tịch điền năm 2024. Sau nghi lễ yết bái Thần Nông cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu là màn trống khai hội do các nữ làng Đọi Tam biểu diễn, kết hợp múa rồng.
Buổi lễ tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày, theo sau là các thôn nữ gieo hạt giống. Cụ Nguyễn Ngọc An từng nhiều năm đóng vai vua đi cày trong lễ hội Tịch điền.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024 diễn ra từ 14 đến 16/2 (5-7 tháng Giêng), với nhiều hoạt động như lễ rước nước, sái tịnh, lễ cầu an; hội thi vẽ và trang trí trâu; thể thao, trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật. Lễ cày Tịch điền bắt đầu từ sáng mùng 7 tháng Giêng.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn là ngày hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, được phục dựng và tổ chức từ năm 2009 đến nay. Lễ hội bắt nguồn từ điển tích trọng nông của vua Lê Đại Hành – vị vua đầu tiên nhà Tiền Lê.
Sử sách ghi, năm Đinh Hợi (987), mùa xuân, vua bắt đầu cày ruộng Tịch điền ở núi Đọi được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân.
Cố giáo sư Trần Quốc Vượng từng viết: Dưới chân núi Đọi, phía Tây vẫn còn cánh đồng Tịch điền rộng gần trăm mẫu và còn di tích vài nền nhà, gọi là Dinh trong, Dinh ngoài, tương truyền là nơi vua Tiền Lê về nghỉ để sau đó đi cày. Từ Hoa Lư, vua đi thuyền theo dòng Hoàng Long, ra ngã ba Gián Khẩu, vào sông Đáy, ngược lên Châu Cầu, rồi theo dòng Châu Giang ngược lên núi Đọi.
Từ nhiều nguồn sử liệu và nghiên cứu dân gian, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xây dựng kịch bản tổng thể lễ hội Tịch điền Đọi Sơn. Từ năm 2009 đến 2023, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức dựa theo kịch bản này nhưng có thay đổi về nghi trình nhập linh khí quân vương do một cụ cao tuổi đức độ của vùng Đọi Sơn thực hiện.