Tôi từng kể nhiều lần trong các bài trả lời phỏng vấn, là hồi sinh viên tôi viết báo trước hết vì “ăn báo chí, ngủ báo chí và nằm mơ cũng báo chí”; vì nữa là… tiền ăn cơm bụi. Mà bấy giờ tôi làm phóng sự đều đều cho hai tờ: là Lao động và Văn nghệ Trẻ. Vô tình hay hữu ý, phóng sự rất “văn” của hai tờ báo bấy giờ đang hoàng kim đều có giá bằng đúng 1 chỉ vàng. Chao ôi, tỉnh mỉnh cả cái đời sinh viên nghèo đi thuê nhà trọ xung quanh toàn cave với con nghiện (thời ấy nó thế) mà lĩnh nhuận bút một chỉ vàng mỗi lần. Thế rồi, sau này, tôi may mắn được Giải Nhất, Giải Nhì và cả mấy cái Giải ba, giải khuyến khích các cuộc thi phóng sự của Lao Động.
Có tí giải, thì tôi mới hơi tự tin một tí, để “tấn công” vào gặp Ban biên tậpLao Động. Mục đích là để nhòm thấy các đại nhà báo lừng danh mà mình ngày nào cũng đọc trên báo, “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Hẳn rồi, ông Lý Sinh Sự (Hà Văn, Trần Đức Chính, Trần Chinh Đức) là người tôi tò mò nhất.
Nếu tính từ năm 1994, đến nay đã cả 3 thập kỉ “vèo trông lá rụng đầy sân” rồi chứ còn gì nữa. Nên, quả thật tôi không nhớ mình đã gặp ông Lý Sinh Sự – Trần Đức Chính lần đầu ra sao. Chỉ nhớ mãi cái lần chú đã quý “thằng bé con” Đỗ Doãn Hoàng lắm rồi, lúc nào tôi lỏn lẻn bước vào phòng “Phó Tổng Biên tập”, ông cũng nheo nheo mắt, cười rất tươi và hóm. Kính lão gọng hơi to và mắt hơi tròn, viền kính chắc là bằng nhựa sẫm màu – cái gì ở chú cũng toát lên cái sự gội đi của “nước thời gian” – rất là cổ kính. Mỗi lúc chuyện hăng, hay xúc động, hay mải suy tư, chú hay lôi kính ra lau. Rồi lại hóm hỉnh, cái cười “tinh quái và thơ ngây”, chú toàn gọi tôi là thằng này, thằng bé này, chú bảo mày thế này nhé.
“Cháu viết về thân phận con cháu các vị mõ làng chú ạ. Tít là “Mõ làng liệt truyện” luôn, cho nó giống Đông chu liệt quốc (cười). Quê cháu, tính từ năm 1953 đi, trước giải phóng Điện Biên là vẫn có mõ, con cháu họ sinh ra giờ vài người vẫn sống ở làng. Họ bị kì thị kinh khủng, hầu hết bỏ xứ mà đi, mõ và hủi ngày xưa bị “sợ” nhất, giờ hủi chữa tốt, mỗi cái kì thị “con nhà mõ” trong não người ta là nó cay nghiệt quá, chưa chữa được…”. Tôi thống thiết trình bày. Chú Lý Sinh Sự nghe, cười tủm tỉm, hỏi thêm vài chi tiết. Thấy hay hay rồi. Mới lau kính, “mày phải viết thế này, phải hiểu là: hồi ấy, mõ họ có vai trò quan trọng lắm, loa loa loa loa, chiềng làng chiềng chạ, thượng hạ tây đông, con gái phú ông…Họ gõ, họ rao, họ đưa tin sốt rẻo bằng cái giọng hay ho và nhiều thứ hay ho đấy chứ. Họ là manh nha của nghề báo chúng ta từ thời đó đấy chứ – họ đưa tin cả nội dung hay và hình thức cũng đẹp và bắt mắt”. Tôi cười phá, đúng rồi chú ạ. Con nhà mõ bao giờ cũng xinh đẹp, và luôn là chỗ của quan lại nơi thôn ổ “đi lại, lòng thòng dây điện”, dù miệng vẫn chửi con mõ nọ kia, y như trong các vở chèo tuồng cổ ta vẫn hay xem. Đẹp nội dung và đẹp hình thức chú ạ.
Lần khác, tôi đi viết về xóm Cây Chay, một khu vực phải vượt qua sông Tích (của tỉnh Hà Tây cũ) mới tới được, lúc đó, vẫn không điện đường trường trạm, ông Chính bảo, Cây Chay đó, cứ vậy thì bao giờ mới đơm trái được nhỉ? Tôi viết phóng sự luôn: “Cây Chay bao giờ đơm trái?”; và da diết kiến nghị, lấp đầy những lỗ hổng để làm sao giới trẻ ở đó vươn lên.
Lần khác, tôi đi bộ cả tuần, rồi đi xe lai (xe ôm) dọc các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong của tỉnh Nghệ An, sang tít Nậm Nhoóng, Tri Lễ, rồi tới nước bạn Lào. Đi với công an (lúc đó tôi làm báo ngành công an). Xe lai có cáng để khiêng xe qua suối lũ cuồn cuộn, xe nhảy trên đá, ngập lút cả hai bánh trong bùn, bò qua mép vực, người ngồi căng ra, gồng lên như khỉ đu cây, còn người lái thì gồng nhiều đến mức hai bàn tay chai thành cục to như quả trứng. Nhiều bản làng thành ổ mại dâm cho các trùm buôn ma tuý, công an ập vào các hang núi lớn, thấy các bao tải dấp dính nhựa đen, toàn thuốc phiện vận chuyển từ Lào sang. Giữa điểm nóng ma tuý này; các anh xe lai thi thoảng lại ngồi trước ngọn đèn dầu ở bản vắng, cắt từng lát cái cục u vướng víu ở hai bàn tay ra đốt…thơm lừng, khét lẹt. Tôi báo cáo đề tài với cụ Lý. Cụ động viên và tôi viết “Binh pháp xe lai”. Gần 20 năm rồi, tôi với các gã xe lai đó vẫn chơi với nhau, phóng sự đó sau này được giải của Lao Động.
Rồi cho đến khi đọc các bài lý luận của nhà báo Trần Đức Chính (lúc ông là Phó Tổng Biên tập Báo Lao động và thêm vài chức vụ trong Hội Nhà báo Việt Nam) tôi mới hiểu, ông Chính từng đạp xe đạp vào chiến trường ác liệt Quảng Bình, Quảng Trị, chứng kiến chết chóc kinh hoàng của chiến tranh. Ông cũng là giảng viên báo chí, là người viết lý luận về báo chí trác tuyệt. Cách ông nói chuyện hài hước và gợi mở, cách ông cật vấn đề tài của cậu bé như tôi khi ấy, cũng là cách phản biện của ban biên tập tới tác giả (cộng tác viên) để lùa câu chuyện (phóng sự) của họ đi trúng vấn đề nhất.
Năm 2004, tôi từ Báo An ninh Thế giới về Báo Lao Động, được giao ngay mảng Phóng sự, biên tập từng chữ, đêm lại hì hụi xem bông, xem bản can các thứ cho đến khi ngửi báo thơm mùi mực mới ra lò. Nhiều phần việc chưa làm bao giờ. Lại bị các “bề trên” mắng, tôi chẳng sợ mà cũng chẳng chán, làm cái gì mình thích thì vất vả cũng thấy vui. Lụi cụi làm đêm hôm, bỗng thấy Phó Tổng Lý Sinh Sự tới, ông bảo Tổng Biên tập: “Ối trời ơi, cái thằng thổ phỉ này, chỗ của nó là ở trên rừng, ở ngoài muôn dặm xa kia kìa. Ông nhốt hổ vào chuồng thế này thì nó chịu thế nào được. Mà nó không làm được cái này đâu. Ông làm thế này mất toi một cây viết hơi bị tốt mà lại có thêm một ông biên tập tồi”. Thế là tôi thoát “quản lý phóng sự”, tung hoành ra Bắc vào Nam, đi hết trong nước, đi tứ phương trên thế giới. Riêng vụ này tôi tri ân cụ Lý suốt đời.
Dường như chuyện gì vào “tay” ông Lý cũng Sinh ra Sự. Cụ lớn tuổi, lại là sếp, nên cụ giữ mục mà nhân viên nữ phụ trách chưa thấy cụ nộp là không dám đòi. Cứ nói ý nhị, cụ bảo: mục của tớ là mục “Nứng hay Đòi” (Nói hay Đừng, nói lái nó thành thế). Ngày nào họ cũng đòi, vì mỗi ngày một bài thì mệt quá. Tôi nghĩ đơn giản, ngày đau ốm, ngày đi ăn cỗ, ngày say rượu hoặc ngày ngủ quên rồi tụt cảm hứng… thì làm thế nào. Nghe đồn, cụ đi nước ngoài, vẫn tính được mấy ngày tới thì làng dư luận có gì HOT, cụ đón đầu viết “Nói hay Đừng” trước, vẫn hay, vẫn hóm và vô cùng trúng phoóc thời sự.
Tôi gọi ông là thầy, giờ làm việc cùng Ban ở Toà soạn với con gái ông, thi thoảng vẫn của ít lòng nhiều dúi mấy đồng bảo đem về biếu bố Chính ăn quà nhé, nhé! Dù chưa được học ông ngày nào trên bục giảng. Ông cũng chỉ vỗ vai tôi vài lần, chứ cũng chưa dám trà dư tửu hậu cùng chú lần nào cho ra trò, vì tuổi tác chênh lệch, vì sếp trong toà soạn bận trăm công nghìn việc. Thôi thì cứ kính nhi viễn chi. Nhưng, quả thật, hễ ông biên tập và hướng dẫn tôi phóng sự nào, là mọi thứ nó mở ra cho bài cụ thể ấy; rồi nó còn giữ vai trò “kim chỉ nam” trong vô số phóng sự sau đó nữa. Tôi in sách, hai lần được ông viết lời tựa đầu sách, sướng! Sướng nhất là những bài đăng trên mục Phóng sự Báo Lao động hồi đó mà có vài chữ “bình luận” đăng kèm như một cái lời dẫn, cái box trước khi vào bài. Cụ Lý viết cao tay, viết như người ta vẽ tranh thuỷ mặc, như võ sư điểm huyệt – tác giả phóng sự bị “bắt bài” và độc giả bị dẫn dụ một cách rất lý thú.
Đến lúc tôi và anh Huỳnh Dũng Nhân in chung một cuốn sách tên là: “Từ hầm lò Mông Dương tới nóc nhà thế giới Tây Tạng”, tôi tung ra các câu chuyện đi tứ xứ khắp nhân gian, nhìn từ nóc nhà Tây Tạng xa xôi nhìn xuống, anh Nhân thì vẫn là cây phóng sự danh tiếng của cả Việt Nam trong suốt thời gian dài. Thời sinh viên, tôi gối đầu sách của anh Huỳnh Dũng Nhân. Giờ cụ Lý Trần Đức Chính viết lời giới thiệu cho cuốn sách, đọc mà thấy ông chú bận như thế, vẫn theo sát từng bước chân của thằng cháu Hoàng. Cái tình của người cầm bút như vậy thật quý vô cùng. Tôi có quen thân với hai con sói phóng sự của Việt Nam, là Huỳnh Dũng Nhân và Đỗ Doãn Hoàng; hai gã đều tầm thước (thâm thấp) như nhau và đều có đam mê xê dịch, có máu lãng tử rồi yêu văn chương (và thích đủ thứ) như nhau. Giọng ông cứ tưng tửng nhưng ấm áp vô cùng.
Xin trích: “Huỳnh Dũng Nhân đi trước với hai lần xuyên Việt nát một con xe máy (đi mượn), chưa kể rẽ ngang rẽ dọc trăm miền. Đỗ Doãn Hoàng cũng kinh, 10 năm đi hết sạch nước Việt Nam. Hai ông đi nhiều viết lắm, sách in hằng gang tay trong tủ sách của tôi, các khoa báo chí có môn giảng phóng sự của hai ông; và cả hai ông từ nhiều năm nay đều lên bục giảng cho các sinh viên, nhà báo trẻ, già về phóng sự (…). Lần này rủ in chung cuốn sách ấy, đúng là trận thư hùng “song kiếm hợp bích”. “Đọc xong (cuốn sách) có thể nhiều bạn đọc sẽ buồn, căm giận cũng có; nhưng hơn cả là ta đã củng cố được niềm tin vào cuộc đời, vào con người, dù thế nào đi chăng nữa…Và biết đâu (đọc xong), nhiều nhà báo trẻ sẽ bỗng dưng, muốn đi và viết!”. (Lời tựa của nhà báo Trần Đức Chính cho cuốn sách đã dẫn).
Người ta bảo, ở đời, có những người ta chỉ gặp thoáng qua, nhưng họ ảnh hưởng đến ta nhiều gấp nghìn lần ta tưởng. Với tôi, nhà báo Trần Đức Chính là một người thầy “kính nhi viễn chi” mà lại chi phối con đường của tôi quá nhiều như thế. Ông ngồi cười hóm, nói hóm, xưng chú mày, chú em, thằng cháu, thằng thổ phỉ, rồi cao tay ấn điểm huyệt cho những cây bút đàn em, đàn cháu dần tiến bộ. Mỗi lần gặp, chỉ một câu nói, một cái vỗ vai, tôi hiểu, từ lần gặp trước đến lần gặp này, và bao năm qua, ông vẫn ưu ái đến tôi, một cậu bé quê mùa vác ba lô đến xin diện kiến và trình bày các đề tài phóng sự. Tôi biết, có lúc, mình đã quá thơ ngây và hoang tưởng, nhưng ông Lý vẫn cười hóm, bao dung và tiếp tục điểm huyệt truyền võ công.
Tôi tin, với nhiều người, chú Chính cũng đối xử hóm hỉnh và thắm tình như vậy.
Nguồn: https://www.congluan.vn/cu-ly-cuoi-hom-bay-binh-phap-viet-phong-su-post299196.html