Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là một quá trình quan trọng và cần thiết trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức về năng lượng và môi trường. (Ảnh: PV) |
(PLVN) – Việt Nam đã có những bước đầu tiên thực hiện chuyển dịch năng lượng nhằm đáp ứng cam kết Net Zero vào năm 2050. Trong đó, việc thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp được coi là chính sách cụ thể, tác động trực tiếp tới quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Việt Nam đã có những bước chuyển đổi đầu tiên
Theo dự báo của Bộ Công Thương, sản lượng tiêu thụ điện của Việt Nam năm 2024 tăng khoảng 15%; nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng khoảng 8 – 10%/năm trong những năm tới, trong khi nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng hạn chế. Do đó, chuyển dịch năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố thiết yếu để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Báo cáo mới đây của Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, có ít nhất 3 thách thức lớn trong quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Bao gồm chi phí, hạ tầng lưới điện và khung pháp lý. Phân tích cụ thể, đại diện Vụ này cho biết, mặc dù chi phí công nghệ năng lượng tái tạo (NLTT) đã giảm đáng kể nhưng việc triển khai trên quy mô lớn vẫn đòi hỏi đầu tư ban đầu cao, nhất là điện gió. Chưa kể, chi phí để phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng hiệu quả như pin và hệ thống lưu trữ nhiệt cũng khá cao.
Bên cạnh đó, hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng đủ để tích hợp NLTT, do đó, hệ thống lưới điện hiện tại cần được nâng cấp để tích hợp các nguồn NLTT không liên tục như năng lượng mặt trời và gió. Ngoài ra, cần cải thiện khung pháp lý và các quy định liên quan đến NLTT, ban hành sớm các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của NLTT, các dạng năng lượng sạch khác cũng như ban hành các quy định hạn chế theo lộ trình nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất.
Bà Vũ Chi Mai – chuyên gia năng lượng của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là một quá trình quan trọng và cần thiết trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức về năng lượng và môi trường. Việt Nam đang thực hiện nhiều bước để chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn NLTT và bền vững hơn.
Ông Stuart Livesey – Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, Việt Nam đã có những bước tiến đáng lưu ý trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng dù vẫn còn đang ở giai đoạn đầu của quá trình này. Hiện NLTT đã chiếm một thị phần đáng kể trong công suất phát điện tại Việt Nam. Một số quy định quan trọng nhằm thúc đẩy việc phát triển NLTT cũng bắt đầu được thông qua.
DPPA sẽ tác động mạnh đến chuyển dịch năng lượng
Trong các quyết định, văn bản liên quan trực tiếp đến quá trình chuyển dịch năng lượng phải kể đến Nghị định về Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) vừa có hiệu lực từ đầu tháng 7/2024. Ông Stuart Livesey đánh giá, DPPA giúp thúc đẩy đầu tư vào chuyển dịch năng lượng và tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam vào lĩnh vực năng lượng sạch, giảm gánh nặng với lưới điện quốc gia và cho phép hệ thống truyền tải tiếp tục phát triển. Đồng thời mang lại nhiều hy vọng giúp các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tăng cường kinh doanh và sản xuất bền vững.
Ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, Nghị định về DPPA góp phần thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và thu hút đầu tư phát triển NLTT, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam.
Ông Jung Byung Jin – đại diện Tập đoàn Samsung nhận định DPPA là Nghị định được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức mong đợi. Với tư cách là một doanh nghiệp, Samsung sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, nhằm đạt mục tiêu chuyển đổi 100% sang NLTT.
Nhiều chuyên gia, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng cho rằng, thực hiện cơ chế DPPA, khách hàng sử dụng điện sẽ đáp ứng mục tiêu và xu hướng sử dụng năng lượng sạch, từ đó có nhiều tác động tích cực tới chuyển dịch năng lượng. Chưa kể, mở rộng nhóm đối tượng được tham gia DPPA cũng sẽ là một bước đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam (trước đây dự thảo nghị định quy định đối tượng tham gia DPPA là khách hàng tiêu thụ điện năng hàng tháng trên 500.000 kWh/tháng nhưng Nghị định về DPPA đã quy định các khách hàng tiêu thụ từ 200.000kWh/tháng trở lên đã có thể tham gia mua bán điện trực tiếp với doanh nghiệp có nguồn NLTT).
Khi tham gia vào cơ chế DPPA, các DN không chỉ hưởng được chứng nhận về xanh, thể hiện uy tín trong các cam kết toàn cầu về sử dụng NLTT và phát triển bền vững; mà còn bảo đảm được nguồn cung năng lượng trong dài hạn và giảm thiểu được rủi ro về giá cả biến động. Đặc biệt, cả bên mua và bên bán đều có lợi khi thực hiện nghị định này. Điều này chắc chắn sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh cho thị trường NLTT, trực tiếp tác động tới quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Nguồn: https://baophapluat.vn/cu-hich-cho-chuyen-dich-nang-luong-o-viet-nam-post518669.html