Bộ Tài chính cho biết trong năm tài chính 2023 có gần 16.300 doanh nghiệp FDI báo lỗ, con số thua lỗ lên tới hơn 217.400 tỉ đồng, tăng 21,2% so với năm trước.
Công nhân đang làm việc trong một nhà máy FDI tại Bắc Ninh - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Số doanh nghiệp FDI báo lỗ tăng mạnh
Trong báo cáo mới nhất về hiệu quả hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), Bộ Tài chính cho biết số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây.
Trong số 28.918 doanh nghiệp FDI có dữ liệu báo cáo tài chính mà Bộ Tài chính tổng hợp được trong năm 2023, có 16.292 doanh nghiệp FDI báo cáo kinh doanh thua lỗ.
Như vậy, trung bình cứ 2 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có hơn 1 doanh nghiệp FDI báo cáo đầu tư, kinh doanh thua lỗ.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế được ghi nhận cùng kỳ là hơn 18.100 doanh nghiệp, tăng 15%.
Tổng số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp FDI trong năm 2023 khoảng 217.400 tỉ đồng, tăng 32%.
Và số tiền lỗ lũy kế trong năm 2023 của các doanh nghiệp FDI lên tới hơn 908.200 tỉ đồng, tăng 20%.
Đáng lưu ý, số doanh nghiệp FDI báo lỗ mất vốn chủ sở hữu trong năm tài chính 2023 cũng tăng mạnh lên 5.091 doanh nghiệp.
Tương tự, giá trị âm vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI khoảng 241.560 tỉ đồng.
Về doanh thu, Bộ Tài chính cho biết doanh thu của các doanh nghiệp FDI năm 2023 đạt hơn 9,4 triệu tỉ đồng, giảm hơn 426,9 ngàn tỉ đồng.
Năm địa phương có doanh thu kinh doanh của doanh nghiệp FDI lớn nhất lần lượt là: TP.HCM (1,4 triệu tỉ đồng), Bắc Ninh (1,2 triệu tỉ đồng), Đồng Nai (749 ngàn tỉ đồng), Bình Dương (731 ngàn tỉ đồng), Hải Phòng (693 ngàn tỉ đồng).
Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp FDI năm 2023 ghi nhận đạt hơn 411.700 tỉ đồng, giảm khoảng 68.300 tỉ đồng so với năm 2022.
Trong khi, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp FDI được ghi nhận đạt khoảng 377.000 tỉ đồng, giảm gần 63.000 tỉ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp FDI lên tới 5,7 triệu tỉ đồng
Về tình hình nộp ngân sách của các doanh nghiệp FDI trong năm 2023, theo Tổng cục Thuế số thu nội địa (không kể dầu thô) của các doanh nghiệp FDI đạt gần 238.800 tỉ đồng, giảm khoảng 4.600 tỉ đồng so với năm kế trước.
Trong đó, thu thuế thu nhập doanh nghiệp đạt khoảng 120.400 tỉ đồng, thuế giá trị gia tăng đạt khoảng 62.100 tỉ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt đạt khoảng 50.800 tỉ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, tổng tài sản của 28.918 doanh nghiệp FDI có báo cáo trong năm 2023 đạt gần 9,96 triệu tỉ đồng, tăng 6,8%.
Trong khi vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI cùng kỳ đạt khoảng 4,19 triệu tỉ đồng, tăng 5,5%.
Tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp FDI cùng kỳ khoảng 5,7 triệu tỉ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI trong năm 2023 là 1,38 lần.
Các lĩnh vực đầu tư FDI có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 3,7 lần, thông tin, truyền thông hơn 3 lần, sản xuất phân phối điện, khí đốt 2,6 lần, bán buôn, bán lẻ 2,2 lần.
Bộ Tài chính đánh giá về tổng thể các doanh nghiệp FDI đảm bảo khả năng thanh toán.
Thua lỗ nhiều năm vẫn mở rộng đầu tư?
Nhận định về hiệu quả đầu tư FDI, Bộ Tài chính cho rằng số doanh nghiệp FDI báo lỗ, lỗ luỹ kế mất vốn chủ sở hữu tăng đáng kể về số lượng và giá trị vốn.
Nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đáng lưu ý nhiều doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư tại Việt Nam lớn, doanh thu cao, lợi nhuận trước thuế lớn nhưng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước rất thấp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cu-hai-doanh-nghiep-fdi-co-mot-bao-lo-bo-tai-chinh-de-nghi-thanh-tra-kiem-tra-lam-ro-20250217132649291.htm
Bình luận (0)