Serbia được EU xem là ứng cử viên gia nhập khối nhưng lại rất mắc mớ về Kosovo, về vấn đề dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Serbia, cũng như về việc Serbia duy trì quan hệ hợp tác với cả Trung Quốc và Nga. Trong bối cảnh như thế, thỏa thuận hợp tác khai thác lithium trên đem lại đồng thời nhiều lợi ích cho cả hai bên.
Lithium là chất liệu, vật liệu được coi là có ý nghĩa chiến lược đối với các nền kinh tế phát triển công nghệ cao. Trữ lượng ở mỏ lithium của Serbia có thể đáp ứng khoảng 17% toàn bộ nhu cầu về lithium của EU. Thỏa thuận này giúp EU giảm thiểu rất đáng kể về nhập khẩu lithium của Trung Quốc, đồng thời lại còn đánh bật được Trung Quốc ra khỏi phi vụ hợp tác đầu tư này. Ngoài ra, thỏa thuận còn là cách giúp EU ràng buộc Serbia vào khối, phân rẽ Serbia với Trung Quốc và Nga. Như thế chẳng phải lợi đơn, ích kép đối với EU hay sao?
Là dự án hợp tác đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay đối với Serbia, thỏa thuận trên hứa hẹn nguồn thu hàng tỉ euro trở thành nguồn lợi trực tiếp cho nước này. Nhờ đó, Serbia có thể gia tăng được đáng kể vị thế trong chính sách của EU và đồng thời buộc cả Nga và Trung Quốc đều phải coi trọng và tranh thủ Serbia nhiều hơn.
Bên cạnh đó, Serbia còn buộc EU phải nhượng bộ rõ rệt trong vấn đề dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Serbia, phải nhanh chóng chứ không trì hoãn tiến trình đàm phán kết nạp Serbia vào EU. Như thế cũng chẳng phải nhất cử lưỡng tiện cho Serbia hay sao?
Nguồn: https://thanhnien.vn/cu-bat-tay-nhat-cu-luong-tien-185240721223832887.htm