Những âm thanh ấy dừng lại nơi gánh tàu hủ của cô Đỗ Thị Đặng hay người dân quen gọi là cô Năm. Đều đặn 7h – 11h mỗi ngày, hình ảnh bà cụ đội nón lá, mặc áo bà ba trắng với gánh tàu hủ lại xuất hiện nơi góc đường thân quen.
Ít ai biết rằng nhờ gánh tàu hủ nhỏ ấy mà người mẹ già đã nuôi nấng bốn đứa con thơ ăn học nên người.
Gánh tàu hủ đong đầy tình mẹ
Theo lời kể của cô Năm, gánh tàu hủ hiện tại do mẹ chồng cô truyền lại. Trước đó mẹ chồng cô – bà Hai – đã bán tàu hủ ở chợ cũ gần 45 năm.
Về làm dâu, được bà Hai truyền lại nghề làm tàu hủ nước đường, cô Năm tiếp tục bán đến nay ngót nghét cũng hơn 50 năm.
Gánh tàu hủ tuy nhỏ nhưng đối với cô Năm đó là cả “gia tài”. Nhờ có gánh tàu hủ này cô đã nuôi bốn đứa con ăn học đến nơi, đến chốn.
Cô Năm có năm người con, ba trai và hai gái, người nhỏ nhất sinh năm 1984 nay đã 40 tuổi.
Chỉ riêng đứa con đầu phải nghỉ học sớm do tình hình kinh tế khi đất nước mới giải phóng còn khó khăn, bốn người còn lại đều được cô nuôi đến khi học đại học.
Cô tự hào khoe: “Anh thứ ba nhà tôi học đại học kinh tế, hai đứa kế học Đại học Thủ Dầu Một, còn đứa con gái út học Đại học Đà Lạt. Bán tàu hủ lời ít, tôi dành dụm chắt chiu lắm mới đủ cho mấy đứa nhỏ đi học”.
Một chén tàu hủ nước đường giá 10.000 đồng, chai sữa đậu nành thì 5.000 đồng, riêng đậu hủ trắng nguyên liệu đắt hơn nên cô bán 15.000 đồng. Đó là giá bán trong 5 năm gần đây, cô Năm rất ít khi tăng giá bán vì toàn là khách quen.
Dấu vết thời gian không giấu nổi sau lớp khẩu trang, cô Năm đứng bán lâu lâu lại phải gác chân lên bánh xe đẩy vì mỏi, đôi tay cầm vá múc tàu hủ đôi lúc lại run run.
Các con thường xuyên khuyên cô nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già, thế nhưng cô bảo “quen tay”, không làm thì nhớ.
“Thấy mẹ thức khuya dậy sớm, mấy đứa nhỏ dù bận vẫn chạy sang nhà phụ làm từ khuya, làm xong xuôi hết mới yên tâm để tôi đẩy xe đi bán” – cô Năm nói với ánh mắt chan chứa yêu thương.
Hương vị thân quen trong ký ức bao người
Nhiều năm qua, cô Năm vẫn luôn làm tàu hủ theo công thức mẹ chồng dạy, cô tâm sự cùng Tuổi Trẻ Online:
“Người ta bày làm tàu hủ cách này cách kia nhưng tôi không nghe, chỉ nghe lời má thôi, má làm sao tôi làm y vậy. Bao năm qua vẫn giữ nguyên liệu và cách làm truyền thống, không thêm hóa chất gì hết”.
Mỗi ngày cô Năm dậy từ 3h để chuẩn bị nguyên liệu. Mỗi phần nhỏ trong món ăn đều được cô chăm chút kỹ lưỡng, từ ngâm và xay đậu đến đun nước đường, thái gừng, vắt nước cốt dừa…
Bà Hồ Thị Sự (65 tuổi), một “khách ruột” của cô Năm, cho hay: “Tôi ăn tàu hủ ở đây từ thời má dì Năm bán, đến nay cũng mấy chục năm rồi. Tôi thích nhất là nước đường với gừng, đường thắng từ đường tán nên rất đậm đà”.
Xe tàu hủ nhỏ ở ven đường thế nhưng chưa bao giờ “ế”, cứ 5 phút lại có khách đến mua tàu hủ. Khách đến mua dù nhỏ hay lớn cô Năm đều niềm nở đón tiếp, có khi còn “mua 1 tặng 1”, mua một phần tàu hủ nhỏ mà lúc về ai cũng “tay xách, nách mang”.
Đối với người dân ở đường Hồ Văn Cống có lẽ tàu hủ cô Năm đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ. “Có người ăn tàu hủ ở đây mấy chục năm, tụi nó ngày nào chỉ mới biết bò giờ có sui rồi” – cô Năm hài hước tâm sự.
Không chỉ nhờ hương vị món ăn, chính sự nhiệt tình, thân thiện của cô Năm đã “níu chân” khách hàng suốt mấy chục năm nay.
Bà Trần Thị Hồng (58 tuổi) chia sẻ: “Nhà tôi ở tít bên kia cầu, mà cứ muốn ăn tàu hủ là chạy ra chỗ cô Năm mua, bên cầu có nhiều người bán lắm mà vẫn thích vị chỗ này. Cô Năm bán ngon mà còn vui vẻ nên dù xa tôi cũng chạy tới ủng hộ”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cu-ba-70-tuoi-ban-tau-hu-nuoi-con-an-hoc-thanh-tai-20240726001319965.htm