Cú trượt dài của VNZ mã cổ phiếu giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam
CTCP VNG là đơn vị được truyền thông nhắc đến rất nhiều với tên gọi kỳ lân công nghệ của Việt Nam. Cổ phiếu của đơn vị này cũng từng chuyển sàn sang UPCoM vào hồi tháng 2 năm 2023 và khiến giới đầu tư choáng váng khi tăng giá phi mã từ 240.000 đồng/cổ phiếu lên tới 1,35 triệu đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá kỷ lục mà chưa một cổ phiếu nào trên sàn chứng khoán Việt Nam đạt được.
Trái ngược với đà tăng giá phi mã của cổ phiếu thì kết quả kinh doanh trong 2 năm trở lại đây của VNG chỉ gói gọn trong 2 chữ “thua lỗ”.
Cụ thể, trong năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu lên tới 7.649 tỷ đồng, lỗ sau thuế 72 tỷ đồng. Bước sang năm 2022, doanh thu công ty tiếp tục tăng nhẹ lên 7.801 tỷ đồng nhưng khoản lỗ sau thuế lên tới 1.534 tỷ đồng.
Trên BCTC đã kiểm toán của VNG, có thể thấy rằng doanh thu ghi nhận dù rất cao, nhưng giá vốn hàng bán của công ty cũng chiếm tới 4.364 tỷ đồng trong năm 2022. Các chi phí đi kèm như chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp đều rất cao, lần lượt lên tới 2.728 tỷ và 1.579 tỷ đồng.
Chi phí cao khiến cho VNG phải chịu lỗ ngay trong chính hoạt động kinh doanh chính tới 942 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc VNG càng kinh doanh sẽ chỉ càng lỗ. Sau khi trừ đi thêm các chi phí khác cùng thuế phải trả, VNG ghi nhận lỗ hợp nhất tới 1.534 tỷ đồng, và lỗ cho công ty mẹ 1.077 tỷ đồng trong năm 2022.
Điều này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của nhà đầu tư về một kỳ lân công nghệ của Việt Nam với mức giá lên tới cả triệu đồng một cổ phiếu. Trong phiên giao dịch ngày 18/6/2023, mã VNZ đang có giá 755.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần một nửa so với đỉnh đạt được lúc vừa chuyển sàn hồi tháng 2 năm 2023.
Từ khoản lỗ nghìn tỷ, VNG đang phải lên kế hoạch chỉ để giảm lỗ còn 378 tỷ đồng do đầu tư dàn trải
Trong tuần trước, HĐQT VNG đã công bố văn bản điêu chỉnh của cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên dự kiến diễn ra vào ngày 7/7/2023 tới đây với một số nội dung đáng chú ý. Trong đó VNG đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 lên tới 9.281 tỷ đồng.
Trái với mục tiêu doanh thu tăng tới 19% so với năm 2022, công ty vẫn chưa thể đặt mục tiêu có lãi trong năm 2023. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm của VNG chỉ là giảm lỗ cho công ty mẹ từ 1.077 tỷ đồng xuống còn 378 tỷ đồng.
Đồng thời, ban lãnh đạo VNG cũng trình ĐHĐCĐ phương án không chia cổ tức năm 2022 để giữ nguồn tiền nhằm đầu tư cho các lĩnh vực kinh doanh chiến lược như ví điện tử, cổng thanh toán, bản quyền trò chơi, phát triển AI…
Cuối cùng, HĐQT cũng trình cổ đông việc thay đổi phương án xử lý 7,1 triệu cổ phiếu quỹ.Trong ĐHĐCĐ năm 2022, số cổ phiếu này đã được phê duyệt để chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thông qua việc phát hành riêng lẻ nhưng đến nay chưa thực hiện được. Do đó HĐQT trình cổ đông cân nhắc thay đổi phương án xử lý với các cổ phiếu này.
Từ kế hoạch kinh doanh năm 2023 của VNG có thể thấy rằng công ty đang theo đuổi quá nhiều lĩnh vực, đầu tư dàn trải với nguồn vốn đầu tư rất lớn. Không quá khó hiểu khi mục tiêu năm 2023 của công ty chỉ là giảm lỗ. Với kỳ vọng kết quả kinh doanh ảm đạm như thế này thì không biết đến lúc nào mã cổ phiếu VNZ mới có khả năng phục hồi lại mốc giá thời kỳ đỉnh cao.