Sáu nhiệm vụ trọng tâm
Bộ Công an vừa ban hành dự thảo thông tư quy định trình tự, nội dung kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) để lấy ý kiến đóng góp.
Theo cơ quan này, Thông tư số 32/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 28/11/2018 là cơ sở pháp lý quan trọng để CSGT tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt.
Tuy nhiên, hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đường sắt đã được thay thế, sửa đổi.
Qua 5 năm thực hiện, Thông tư số 32/2018 có nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều vấn đề mới. Do đó, Bộ Công an dự thảo thông tư mới để thay thế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường sắt.
Một trong những đề xuất đáng chú ý đó là nội dung kiểm tra, kiểm soát của CSGT trên lĩnh vực đường sắt. Theo đó, Bộ Công an dự thảo lực lượng này có những nhiệm vụ sau:
Một là, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt; việc chấp hành quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
Hai là, kiểm tra, kiểm soát về điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông đường sắt, thông tin chỉ dẫn, trang thiết bị phục vụ khách hàng, thiết bị an toàn trên phương tiện giao thông đường sắt.
Ba là, kiểm tra, kiểm soát về điều kiện quy định đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt của nhân viên đường sắt khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy tắc giao thông tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt (lối đi tự mở, đường ngang), cầu chung đường bộ với đường sắt, hầm đường sắt và trong phạm vi an toàn của đường sắt.
Năm là, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường sắt của các tổ chức, cá nhân.
Sáu là, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về vận tải hành khách, hành lý và hàng hóa trên đường sắt; chấp hành quy định về tải trọng.
Quyền hạn của CSGT trên đường sắt
Cũng theo dự thảo, khi làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường sắt, CSGT có một số quyền hạn nhất định.
Cụ thể, lực lượng này được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.
Khi có tai nạn, sự cố giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường sắt, CSGT được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết.
Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ CSGT được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó theo quy định của Luật Công an nhân dân.
Việc huy động này được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
Ngoài ra, CSGT được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện kỹ thuật khác theo quy định.
Quá trình làm nhiệm vụ, CSGT sẽ phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt và các hành vi khác; phối hợp với cơ quan quản lý đường sắt phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn đường sắt.
Lực lượng này còn phối hợp điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; trực tiếp, phối hợp với các đơn vị khác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm khác trên các tuyến đường sắt.
Tham gia phòng, chống khủng bố, chống biểu tình gây rối; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; chủ trì, phối hợp với thanh tra giao thông, lực lượng bảo vệ trên tàu… bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt.