“Đại lý du lịch” trong “hệ sinh thái” Crystal Bay
Cổ phần Thẻ du lịch Crystal Bay (Công ty Crystal Bay) được thành lập vào ngày 9.6.2021, trụ sở chính tại tầng 11, tòa nhà Capital Place, 29 phố Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Ông Nguyễn Đỗ Thành Công (1987) là người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng Giám đốc.
Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty Crystal Bay là “đại lý du lịch”. Thời điểm mới thành lập, công ty có vốn điều lệ 20 tỉ đồng, đến cuối năm 2021 công ty tăng vốn lên 40 tỉ đồng với cơ cấu gồm 13 cổ đông góp vốn.
Trong đó, cổ đông có tỉ lệ sở hữu lớn nhất là Công ty TNHH Crystal Bay Intourist (địa chỉ tại tòa nhà số 5, công viên bến du thuyền Quốc tế, đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) góp 35,4 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ sở hữu 88,5%.
Các cổ đông cá nhân, gồm: Nguyễn Đỗ Thành Công góp 1 tỉ đồng, sở hữu 2,5%; Phan Hoàng Phong Thu góp 1 tỉ đồng, sở hữu 2,5%; Vũ Duy Tùng góp 800 triệu đồng, sở hữu 2%; Trần Đạo Tú góp 500 triệu đồng, sở hữu 1,25%.
Còn lại ông Nguyễn Ngọc Thành, Nguyễn Trọng Toàn, Phan Thế Toàn, Hoàng Minh Hải, Nguyễn Huy Việt mỗi người góp 200 triệu đồng, đều sở hữu 0,5%; bà Tạ Thị Vui, Trần Thị Thu và Phan Thế Thành mỗi người góp 100 triệu đồng, đều sở hữu 0,25%.
Đến cuối năm 2022 công ty tiếp tục tăng vốn lên 68 tỉ đồng, các thông tin về cơ cấu cổ đông, tỉ lệ góp không công bố thay đổi.
Trong đó, Công ty TNHH Crystal Bay Intourist (Crystal Bay Intourist), cổ đông nắm 88,5% Công ty Crystal Bay được thành lập vào 18.5.2021 với ngành nghề kinh doanh chính là “đại lý du lịch”, vốn điều lệ 10 tỉ đồng. Ông Trương Đăng Hoàng Thạch (1989) là người đại diện pháp luật, kiêm Tổng Giám đốc.
Pháp nhân “lõi” Crystal Bay
Theo các thông tin công bố của Công ty cổ phần Tập đoàn Du lịch Crystal Bay (Tập đoàn Crystal Bay), cả Công ty Crystal Bay và Crystal Bay Intourist đều là công ty con của Tập đoàn Crystal Bay.
Tập đoàn Crystal Bay thành lập ngày 30.6.2016, địa chỉ trụ sở chính tại ô số 02, tầng 12A, tòa nhà VCN Tower, số 2 Tố Hữu, phường Phước Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngành nghề kinh doanh chính theo đăng ký là “kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.
Người đại diện pháp luật của Tập đoàn Crystal Bay là ông Nguyễn Đức Chi (1969) và bà Lê Minh Hà (1967). Trong đó, ông Nguyễn Đức Chi là Chủ tịch HĐQT, còn bà Lê Minh Hà là Tổng Giám đốc công ty.
Theo công bố thay đổi gần nhất, tháng 11.2023, Tập đoàn Crystal Bay tăng mạnh vốn điều lệ từ 1.259,2 tỉ đồng lên 2.659,2 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông không được doanh nghiệp công bố chi tiết.
Một pháp nhân khác trong “hệ sinh thái” Crystal Bay là Công ty Cổ Phần Crystal Bay (Crystal Bay), công ty này được thành lập vào ngày 23.7.2016, lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là “dịch vụ lưu trú ngắn ngày”, do ông Nguyễn Đức Chi làm người đại diện theo pháp luật, kiêm Chủ tịch HĐQT.
Ban đầu, Crystal Bay có số vốn điều lệ 250 tỉ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Đức Chi góp 150 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ sở hữu 60%. Hai cổ đông còn lại gồm Nguyễn Đức Tấn và Nguyễn Thị Duyên, mỗi người góp 50 tỉ đồng và đều sở hữu 20% vốn.
Đến tháng 9.2017, công ty tăng vốn lên 600 tỉ đồng. Tháng 10.2017, vốn điều lệ của Crystal Bay tiếp tục tăng lên 1.200 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỉ lệ sở hữu đến thời điểm này không thay đổi. Tuy nhiên đến tháng 4.2020, vốn điều lệ công ty bất ngờ giảm xuống 1.000 tỉ đồng, và đến tháng 6.2021 lại tăng lên 1.150 tỉ đồng.
Kinh doanh trồi sụt, nợ phải trả tăng mạnh
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Crystal Bay ghi nhận, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp trong năm qua đạt 101,4 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 94 tỉ đồng.
Tại ngày 31.12.2023, vốn chủ sở hữu của Crystal Bay ở mức 1.862 tỉ đồng, tăng 5% so với năm trước. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 2,46 lần, tương đương số nợ phải trả của công ty cuối năm 2023 là 4.579 tỉ đồng, giảm 5,7% so với số nợ 4.859 tỉ đồng năm 2022. Đồng thời, số nợ phải trả của Crystal Bay cao gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu của Crystal Bay cuối năm 2023 ở mức 1,14 lần, tương ứng dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp là 2.122 tỉ đồng. Dư nợ trái phiếu cũng cao hơn 14% so với vốn chủ sở hữu của công ty.
Đáng chú ý, từ 2021 – 2023, bức tranh kinh doanh của Crystal Bay trồi sụt, khi lãi sau thuế hơn 89 tỉ đồng trong năm 2021, đến năm 2022 công ty lỗ 94,5 tỉ đồng và năm 2023 lãi 101,4 tỉ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả ghi nhận tăng mạnh, từ 2.693 tỉ đồng cuối năm 2021 lên 4.579 tỉ đồng cuối năm 2023, tương ứng mức tăng 70% trong 2 năm.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/crystal-bay-kinh-doanh-troi-sut-no-phinh-to-1376508.ldo