Ngày 13-12, các nước tham dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã bế mạc và thông qua thỏa thuận cuối cùng. Thỏa thuận này mở đường cho việc giảm mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu.
Theo hãng tin Reuters, đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu. Sau 2 tuần đàm phán khó khăn, dự thảo thỏa thuận này đã nhận được sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tham dự COP28. Việc hội nghị đạt được thỏa thuận quan trọng này được cho là sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.
Thỏa thuận trên đặc biệt kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Văn bản này cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.
Việc thực hiện thỏa thuận COP28 tùy thuộc vào từng quốc gia, thông qua các chính sách và các khoản đầu tư của riêng từng nước. Dầu, khí đốt và than đá vẫn chiếm khoảng 80% năng lượng của thế giới. Việc đốt than, dầu và khí đốt là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Những loại nhiên liệu này cũng chiếm hơn 3/4 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
PHƯƠNG NAM