Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật (CRPD) và Nghị định thư tùy chọn kèm theo Công ước về Quyền của Người khuyết tật (Nghị định thư tùy chọn) được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 13/12/2006. Công ước này nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, tổ chức xã hội dân sự, thành viên của cộng đồng người khuyết tật và các nhà bình luận.
CRPD là công ước mang tính đột phá về cách thức soạn thảo, thông qua và ký kết. Nó được hoàn thiện một cách nhanh chóng hơn bất kỳ hiệp ước nhân quyền quốc tế cốt lõi nào khác và nhận được lượt ủng hộ kỷ lục. Quá trình đàm phán soạn thảo CRPD có sự tham gia của nhiều nhóm, bao gồm các tổ chức phi chính phủ và quốc tế cũng như các tổ chức nhân quyền.
Không giống như nhiều điều ước quốc tế trước đó chỉ đơn giản đặt ra các quyền được Liên hợp quốc công nhận, CRPD vạch ra lộ trình các hành động nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền của người khuyết tật.
CRPD được xây dựng dựa trên báo cáo và các mô hình giám sát từ các hiệp ước khác nhau, đồng thời hướng tới thúc đẩy xã hội dân sự tham gia và giám sát việc thực hiện bằng các cơ chế độc lập. Như được mô tả trong tài liệu chung năm 2011 của Hội đồng Người khuyết tật Canada và Hiệp hội Đời sống Cộng đồng Canada (nay gọi là Hòa nhập Canada), CRPD là “một công cụ giúp cộng đồng và chính phủ hiểu lý do và cách thức thực hiện các quyền chưa được thực hiện của người khuyết tật và nó cung cấp một khuôn khổ bao gồm các điều kiện cần thiết để biến các quyền thành hiện thực”.
CRPD ở Canada
Canada chính thức phê chuẩn CRPD vào ngày 11/3/2010. Sau đó, tháng 12/2016, Chính phủ Canada thông báo rằng họ đang xem xét gia nhập Nghị định thư tuỳ chọn và chính thức thông qua nghị định vào 3/12/2018.
Các đại diện của Canada đã tham gia rất tích cực vào quá trình xây dựng CRPD. Các đại diện của Chính phủ Canada, đặc biệt là từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế, Bộ Tư pháp Canada, Bộ Phát triển Nhân lực và Kỹ năng Canada (HRSDC) và Di sản Canada, đã tham gia soạn thảo và đàm phán Hiệp định Công ước từ năm 2001.
Trong tài liệu chung năm 2011, Hội đồng Người khuyết tật Canada và Hiệp hội Đời sống Cộng đồng Canada cho biết Chính phủ Canada đã hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người khuyết tật trong cả giai đoạn xây dựng và phê duyệt công ước. Theo đó, các tổ chức nhấn mạnh sự đóng góp của Canada cho CRPD đã thúc đẩy để các giá trị của Canada được đưa vào luật nhân quyền quốc tế.
Canada đã tuân thủ các yêu cầu trong Công ước, bao gồm cung cấp báo cáo định kỳ về khuôn khổ hiến pháp, pháp lý và hành chính. Theo báo cáo định kỳ đầu tiên của Canada, khuôn khổ pháp lý hiện hành ở Canada tại thời điểm phê chuẩn đã cung cấp các công cụ cần thiết để thực hiện Công ước mà không cần phải có luật bổ sung, bao gồm:
Tuyên ngôn Nhân quyền của Canada, áp dụng cho luật liên bang và bảo vệ các quyền tự do cơ bản, quyền hợp pháp và sự bình đẳng trước pháp luật;
Hiến chương về Quyền và Tự do của Canada, áp dụng cho mọi hoạt động của chính phủ và đảm bảo các quyền và quyền tự do cơ bản của mọi cá nhân, bao gồm bảo đảm quyền bình đẳng rõ ràng cho người khuyết tật;
Luật nhân quyền liên bang, tỉnh và lãnh thổ cấm phân biệt đối xử dựa trên tình trạng khuyết tật trong việc làm, cung cấp hàng hóa, dịch vụ và cơ sở vật chất, đồng thời công nhận nghĩa vụ hỗ trợ người khuyết tật cho đến mức gặp khó khăn quá mức;
Luật và chính sách cụ thể của liên bang, bang và lãnh thổ điều chỉnh các lĩnh vực có tác động đến người khuyết tật, chẳng hạn như các chương trình phúc lợi xã hội, chương trình bảo hiểm khuyết tật và chương trình nhà ở.
Trong đó, nhiều nghĩa vụ của CRPD và các hiệp ước nhân quyền quốc tế khác là các vấn đề thẩm quyền của cấp bang. Cụ thể, nhiều chương trình dành cho người khuyết tật do các bang hoặc vùng lãnh thổ ở cấp địa phương hoặc thành phố điều hành, từ việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe phù hợp đến đảm bảo không gian công cộng có thể tiếp cận hoặc cung cấp các hình thức giáo dục phù hợp để đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật. Do đó, chính phủ liên bang Canada đã tham vấn và hợp tác với chính quyền cấp bang và vùng lãnh thổ trước khi phê chuẩn và trong quá trình thực hiện Công ước và Nghị định thư không bắt buộc.
Trước những vấn đề còn tồn tại trong việc chăm sóc và đảm bảo quyền cho người khuyết tật, Canada đã ban hành đạo luật mới ở cấp liên bang. Cụ thể, Đạo luật Canada về Quyền tiếp cận, có hiệu lực vào năm 2019, nhằm mục đích cải thiện cách Chính phủ Canada và các tổ chức trong phạm vi quyền hạn liên bang giải quyết vấn đề về quyền tiếp cận và tương tác với người khuyết tật Canada.
Ngoài ra, chính phủ liên bang đã cam kết áp dụng Phân tích dựa trên giới tính vào các chính sách, chương trình và luật pháp. Điều này bao gồm việc xem xét tác động của các sáng kiến của chính phủ đối với người khuyết tật.
Bên cạnh những khuôn khổ pháp lý và thành tựu đã đạt được trong việc bảo vệ quyền cho người khuyết tật, CHRC – cơ quan được chỉ định chính thức để giám sát việc thực hiện Công ước của Canada – vào năm 2019 cũng đã thông tin về một số vấn đề mà cơ quan này muốn tiếp tục giải quyết, bao gồm:
Tỷ lệ vô gia cư, nghèo đói và bị bắt giam vô lý với người khuyết tật ở Canada;
Nhu cầu tài trợ phù hợp, liên tục và nhất quán để hỗ trợ người khuyết tật tham gia hoạt động tham vấn và các hoạt động liên quan;
Vấn đề từ chối cho phép người khuyết tật muốn nhập cư vào Canada tiếp cận chăm sóc y tế;
Vấn đề phân biệt đối xử về địa vị xã hội hoặc kinh tế;
Những lo ngại về Đạo luật Canada, bao gồm cả việc liệu Đạo luật này có áp dụng cho các khu bảo tồn của người dân bản địa hay không.
Có thể thấy, kể từ khi được ban hành, CRPD đã thúc đẩy sự tập trung nhiều hơn vào các luật và chính sách ảnh hưởng đến quyền của người khuyết tật ở Canada. Mặc dù các vấn đề cụ thể mà người khuyết tật phải đối mặt sẽ thay đổi theo thời gian, Công ước vẫn đóng vai trò là một khuôn khổ giúp tiếp tục thúc đẩy nhân quyền ở các khu vực pháp lý khác nhau và trong bối cảnh đang thay đổi.
Nhiều quốc gia thành viên sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức chung, dù là trong việc biến đổi không gian công cộng về mặt vật lý để dễ tiếp cận hơn, tìm cách khuyến khích và hỗ trợ sự tham gia của người khuyết tật vào xã hội, hay phát triển các nguồn lực để đảm bảo rằng họ có thể tự đưa ra quyết định liên quan đến chuyện của họ. Dù vậy, Công ước sẽ chỉ có hiệu quả khi bản thân các quốc gia có ý thức và hành động cụ thể để thúc đẩy, đảm bảo các quyền cho người khuyết tật.
Hoa Vũ