Theo Engadget, trong thông báo vừa đăng tải, CAC cho biết họ phát hiện các sản phẩm của Micron gây ra rủi ro bảo mật đáng kể đối với cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc, bao gồm các ngân hàng nhà nước và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Lệnh cấm được đưa ra sau khi Trung Quốc tuyên bố xem xét lại việc nhập khẩu Micron vào cuối tháng 3 qua trong một động thái được coi là sự trả đũa vào thời điểm đó đối với các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt đối với các nhà sản xuất chip Trung Quốc trong những năm gần đây.
Micron có trụ sở tại Idaho là nhà sản xuất bộ nhớ lớn nhất ở Mỹ. Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 10% doanh thu hằng năm của công ty, mặc dù phần lớn các công ty nhập khẩu sản phẩm Micron vào Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị để bán ở các nơi khác trên thế giới. Trong phản ứng của mình, Micron cho biết: “Chúng tôi đang đánh giá kết luận và đánh giá các bước tiếp theo. Chúng tôi mong muốn tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận với chính quyền Trung Quốc”.
CAC cũng chưa cho biết sản phẩm nào của Micron sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, cũng như không chia sẻ chi tiết về những lo ngại về bảo mật đối với chip của công ty.
Lệnh cấm là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến công nghệ bán dẫn ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có động thái hạn chế đối thủ tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Vào tháng 1, các quan chức Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản đã nhất trí thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với máy in thạch bản của ASML, Nikon và Tokyo Electron.
Về phần mình, phía Trung Quốc đã cố gắng tìm cách đáp trả Mỹ, với Micron là mục tiêu dễ dàng nhất vì hầu hết các công ty Trung Quốc có thể chuyển sang các nhà cung cấp như SK Hynix của Hàn Quốc để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào do lệnh cấm để lại.