Hiện nay, các nhân sự giỏi luôn sở hữu cá tính rất mạnh mẽ, vì vậy môi trường công sở dễ dàng xảy ra các tình huống xung đột.
Đa phần các cuộc cự cãi đều xuất phát từ quyền lợi cá nhân, như thái độ làm việc không hợp tác, khối lượng công việc không đồng đều… Và hẳn nhiên, dân văn phòng sợ nhất vẫn là trong tổ chức có các thành phần lười biếng, đùn việc cho người khác nhưng vẫn hưởng thù lao cao.
Những kiểu nhân sự “sinh ra không phải để đi làm”
Theo Investopedia – trang web truyền thông tài chính uy tín hàng đầu tại New York (Hoa Kỳ), kiểu nhân viên “ăn không ngồi rồi” được nhận diện bằng các đặc điểm như sau:
Một, họ là một cá nhân được trả lương hoặc tiền công cho công việc không được hoàn thành, mặc dù có vẻ ngoài đang cần cù. Một nhân viên có vẻ chăm chỉ trong công việc nhưng lại không thực sự quan tâm đến các nhiệm vụ được giao.
Hai, họ là những nhân viên bỏ bê công việc. Họ thường sử dụng thời gian của công ty để truy cập Internet, trò chuyện, nhắn tin hoặc làm việc riêng. Họ gõ bàn phím liên tục để tán gẫu với bạn bè, dành nhiều thời gian lướt đọc các biến phốt, chuyện lạ bốn phương trên mạng xã hội, họ đi ra ngoài nhằm gặp gỡ bạn bè, nhận hàng mua sắm…
Ba, nhóm người không có KPI cụ thể. Theo Investopedia, các công ty không chỉ nên tập trung vào việc quản lý thời gian của nhân viên mà còn chú ý vào các mục tiêu đề ra, KPI.
Bốn, những người bị công ty làm mất tập trung. Chính vì các hoạt động như các cuộc họp thường xuyên, hàng “đống” báo cáo, thủ tục giấy tờ cần được kiểm tra… làm mất thời gian và gián đoạn hứng thú làm việc.
Hiện tại, khi các mô hình làm việc từ xa (remote), làm việc kết hợp (hybrid working)… trở nên thịnh hành thì kiểu “ăn không ngồi rồi” xuất hiện ngày càng nhiều.
Không kiềm kẹp thời gian, không có KPI bắt buộc và đặc biệt không có giám sát… khiến nhân sự “ăn không ngồi rồi” dễ luồn lách, an nhàn mà vẫn hưởng thành quả.
Dễ nhận diện nhưng khó loại bỏ
Anh Trọng Huy, (25 tuổi, nhân viên hành chính) chia sẻ rằng, bất kì công ty nào cũng có các vị trí khác nhau, với các nhân sự không yêu cầu phải đáp ứng thời hạn, tham gia làm việc nhóm… sẽ rất dễ tự “giảm tải” khối lượng công việc của mình.
“Mình đã từng làm việc với một đồng nghiệp chung bộ phận, chị ấy đảm nhiệm việc lưu trữ hồ sơ giấy tờ, sắp xếp và phân loại sổ sách… liên quan đến kế toán. Mọi người không rõ với một công việc đó thì cần bao nhiêu thời gian, nên chị cứ ung dung kéo dài, nhìn thì có vẻ chăm chỉ nhưng thực chất màn hình máy tính xem phim là chính, ai đi ngang chị mới bấm chuột nhảy sang màn hình ứng dụng excel” – anh Huy nói.
Chị Anh Thư (24 tuổi, chuyên viên chăm sóc khách hàng) cũng đồng tình rằng kiểu đồng nghiệp “ăn không ngồi rồi” dễ nhận biết nhất là họ hay than vãn về sự nhàm chán, sự khó khăn để hoàn thành công việc nhằm khiến đồng nghiệp không ý kiến. Ví dụ như bộ phận tuyển dụng, mặc dù không phải mỗi ngày đều cần tìm nhân sự mới nhưng vẫn phải có bộ phận riêng. Vì công việc tuyển dụng phụ thuộc vào tình trạng ứng viên thị trường lao động và nhu cầu của công ty nên nhiều nhân sự dễ có lý do luồn lách.
Anh Đức Phạm (24 tuổi, nhân viên nội dung) đã có cảm xúc không mấy tốt đẹp khi kết hợp với đồng nghiệp “ăn không ngồi rồi”. Cụ thể, trong khi anh phải tăng ca cho kịp tiến độ, thì chị trưởng bộ phận nội dung lại ung dung nghỉ phép để đi du lịch, thường xuyên bỏ về sớm… và mỗi sáng lên công ty đều khoe vừa xem được bộ phim nào đó.
“Các dự án mới từ cấp trên giao xuống, chị ấy bắt mình phải làm những công việc như lập kế hoạch, timeline, viết báo cáo… trong khi các công việc này chị ấy phải làm. Mình là nhân viên chuyên môn thì chỉ nên triển khai các bài viết” – anh Đức Phạm nói.
Tuy nhiên, vẫn có các nhân sự đang vô tình trở thành “ăn không ngồi rồi” vì môi trường làm việc chi phối, thêm nữa các nội dung mạng xã hội ngày càng thu hút.
Anh Phát Đạt (25 tuổi, chuyên viên truyền thông) thừa nhận mỗi ngày đến văn phòng làm việc, anh tự do ăn sáng, lướt Facebook và trò chuyện với mọi người một chút, và đến xế chiều anh mới thực sự bắt tay vào việc.
“Ngặt nỗi tính chất công việc của mình khác hội đồng nghiệp chơi cùng, nên họ có thể ung dung tan làm ngày mai hoàn thành sau thì mình phải ôm việc về nhà làm bù ban đêm để kịp KPI”.
Các “sếp” xử lý như thế nào?
Theo chị Nguyệt Quang (Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ quản trị nhân sự và trợ lý cá nhân Em Ơi), để “đối phó” với kiểu nhân viên trên, người quản lý hãy áp KPI chính xác, kiểm tra đối chiếu kết quả thường xuyên theo tuần, thậm chí theo ngày.
Đồng thời cần chia nhỏ công việc, chỉ ra các đầu việc cụ thể để hai bên cùng nhìn nhận và đo lường được thời gian, công sức. Ví dụ vị trí hành chính, báo cáo cụ thể hôm nay soạn gửi các thư mất bao lâu, đã trả lời bao nhiêu cuộc điện thoại, phản hồi bao nhiêu email của các phòng ban, xử lý bao nhiêu sự vụ hành chính, cấp bao nhiêu đơn văn phòng phẩm…
“Những nhân sự lười tiềm ẩn trong công ty sẽ thường xuyên ‘tại, vì, bị, bởi’ – luôn có lý do không hoàn thành đúng và đủ việc được giao. Khi nhận việc thường nhận nhanh, không thèm kiểm tra kỹ và thắc mắc chi tiết, khi giao việc thì luôn đợi nhắc, hỏi mới trả kết quả.
Nếu là người quản lý trực tiếp, để nhận diện sớm nhất các bạn này thì trong thời gian thử việc, có thể giao các nhiệm vụ thử sức, xem tốc độ xử lý thế nào, sau đó cho thử 1-2 việc chung cùng đội nhóm. Sau đó lấy nhận định từ đồng nghiệp của các bạn này, khách hàng của bạn và đánh giá toàn diện.” – chị Nguyệt Quang nói thêm.
Cùng với đó, nếu nhân sự có năng lực nhưng đang trong giai đoạn chán nản, buông bỏ công việc vì các lí do khách quan thì thay vì loại bỏ, chị Nguyệt Quang cho biết, cần có những cuộc trò chuyện, tìm hiểu vấn đề và đưa phương án giải quyết hợp lý nhằm tận dụng tài năng.