Một công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ khảo sát các nhân viên về mức độ căng thẳng, rồi đuổi việc tất cả những người báo cáo mức căng thẳng cao.
Email nội bộ từ YesMadam, công ty khởi nghiệp đã nổi tiếng nhờ chương trình Shark Tank, đã bị rò rỉ trên mạng và làm dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội.
Công ty hỏi thăm nhân viên, sau đó… đuổi việc
Theo Economic Times, YesMadam cung cấp dịch vụ salon tại nhà và nền tảng công nghệ cho ngành làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Trong email, công ty cho biết họ đã chấm dứt hợp đồng với những nhân viên báo cáo mức độ căng thẳng đáng kể trong cuộc khảo sát.
“Gần đây, chúng tôi đã thực hiện một khảo sát để hiểu cảm xúc của các bạn về căng thẳng trong công việc. Nhiều người đã chia sẻ mối lo ngại của mình, điều mà chúng tôi vô cùng trân trọng.
Là một công ty cam kết xây dựng môi trường làm việc lành mạnh và hỗ trợ, chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng các phản hồi. Để đảm bảo không ai còn cảm thấy căng thẳng tại nơi làm việc, chúng tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là chấm dứt hợp đồng với những nhân viên bày tỏ mức độ căng thẳng đáng kể.
Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức, và các nhân viên bị ảnh hưởng sẽ nhận được thông tin chi tiết riêng. Cảm ơn vì những đóng góp của các bạn”, theo nội dung thư rò rỉ được chia sẻ trên LinkedIn.
Sau vụ rò rỉ, nhiều người dùng trên LinkedIn đã đặt câu hỏi về lý do sa thải, cho rằng “đây thực sự là một chiến dịch gây phản tác dụng”.
Một người khác viết về vụ đuổi việc: “Hy vọng đây không phải là một chiêu trò gây chú ý để quảng bá”.
“Đây là lý do sa thải kỳ lạ, phi logic và phi đạo đức nhất mà tôi từng thấy. Hãy nói với tôi rằng đây chỉ là một trò đùa thôi”, một người khác nói thêm.
Văn hóa làm việc căng thẳng và áp lực tại Ấn Độ
Khoảng 62% nhân viên Ấn Độ trải qua tình trạng kiệt sức, gấp ba lần mức trung bình toàn cầu là 20%, do căng thẳng công việc và sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, theo một báo cáo của nền tảng chăm sóc sức khỏe số MediBuddy và CII.
Báo cáo cũng nhấn mạnh một số lượng lớn người tìm việc coi các chương trình chăm sóc sức khỏe nhân viên là yếu tố quan trọng trong quá trình ra quyết định.
Các cuộc trao đổi về văn hóa làm việc đã được đẩy mạnh sau khi Anita Augustine, mẹ của Anna Sebastian Perayil, viết thư cho Giám đốc Ấn Độ của Ernst & Young (EY) Rajiv Memani, tố cáo rằng con gái bà qua đời do căng thẳng công việc chỉ bốn tháng sau khi gia nhập EY tại Pune. Bà cho biết con gái mình thường xuyên phải làm việc đến khuya và cả cuối tuần mà không được nghỉ ngơi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn một nửa dân số toàn cầu đang làm việc, và khoảng 15% người trưởng thành trong độ tuổi lao động, sống chung với các rối loạn lo âu. Ngoài ra, mỗi năm trên toàn thế giới ước tính mất khoảng 12 tỉ ngày công lao động vì lo âu và trầm cảm, gây thiệt hại lên đến 1.000 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cong-ty-khao-sat-nhan-vien-muc-do-cang-thang-roi-duoi-viec-luon-20241210130551399.htm