Liên tục trúng thầu “khủng” với tỷ lệ tiết kiệm “siêu thấp”
Nhắc đến hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, không thể bỏ qua cái tên “đình đám” CTCP Đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn). Theo tìm hiểu về dữ liệu đấu thầu, Công ty Hoàng Sơn đã trúng hơn 50 gói thầu với tổng giá trị lên đến 12.000 tỷ đồng.
Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập là hơn 2.000 tỷ đồng, tổng giá trị các gói thầu đã tham gia và trúng thầu với vai trò liên danh là hơn 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo tìm hiểu của Báo Nhà báo & Công luận, nhiều gói thầu doanh nghiệp này trúng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách ở mức “siêu thấp”.
Được biết, Công ty Hoàng Sơn tiền thân là Công ty TNHH Hoàng Sơn, thành lập cuối tháng 3/2001, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đến năm 2007, doanh nghiệp đi vào hoạt động với tên CTCP Đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn, đồng thời phát triển hệ sinh thái với hàng chục công ty liên quan.
Công ty Hoàng Sơn có địa chỉ tại tổ 01, phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình. Các cổ đông sáng lập gồm Nguyễn Cao Sơn, Nguyễn Nam Chung, Phạm Xuân Huy, Phạm Văn Huyền, Phạm Anh Tuấn, Trần Khắc Định, Nguyễn Thanh Thanh. Trong đó, doanh nhân Nguyễn Cao Sơn là cái tên quen thuộc trong giới kinh doanh.
Hiện tại, vốn điều lệ của Công ty Hoàng Sơn ở mức 680 tỷ đồng và đã có nhiều biến động. Cụ thể, doanh nghiệp hiện tại do Nguyễn Thanh Thanh sở hữu 84,7% vốn; Nguyễn Nam Chung sở hữu 13,30% vốn; Phạm Văn Huyền và Trần Khắc Định mỗi người sở hữu 1% vốn. Ông Nguyễn Nam Chung hiện đang là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Trúng nhiều gói thầu khủng, doanh thu tăng mạnh, nhưng kinh doanh lại… bết bát?
Trúng nhiều gói thầu “khủng”, không bất ngờ doanh thu của Công ty Hoàng Sơn rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ mỗi năm và có xu hướng tăng lên. Từ mức chưa đến 500 tỷ đồng năm 2019, doanh thu của doanh nghiệp này đã tăng lên hơn 800 tỷ đồng vào năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lợi nhuận của doanh nghiệp này rất mỏng, chỉ vài tỷ đồng mỗi năm. Năm 2023, Công ty Hoàng Sơn lãi lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây nhưng con số lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 3 tỷ đồng, nhích nhẹ so với mức 2,9 tỷ của năm trước. Tỷ suất lợi nhuận ròng chỉ ở mức 0,4% tương đương 1000 đồng doanh thu mới đổi được gần 4 đồng lãi.
Lợi nhuận mỏng đương nhiên thuế thu nhập doanh nghiệp mà Công ty Hoàng Sơn đóng góp vào ngân sách Nhà nước cũng rất “bèo”. Tổng mức thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm trở lại đây ước tính chỉ khoảng 4 tỷ đồng, trong khi bình quân mỗi ngày trong năm 2023 doanh nghiệp này thu hơn 2 tỷ đồng.
Nếu nhìn vào quy mô, những con số này thậm chí còn nhỏ bé hơn. Liên tục tăng qua từng năm, tổng tài sản của Công ty Hoàng Sơn tính đến cuối năm 2023 lên đến hơn 2.700 tỷ đồng, tăng gần 1.200 tỷ (tương đương mức tăng 80%) so với thời điểm cuối năm 2019. Phần lớn tài sản được tài trợ bằng nguồn vốn nợ dù vốn chủ sở hữu cũng liên tục tăng chủ yếu do tăng vốn điều lệ.
Tính đến cuối năm 2023, tổng nợ phải trả của Công ty Hoàng Sơn lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 62% so với 4 năm trước và gấp 3 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Nặng nợ có thể là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này bị bào mòn trong những năm qua.
Lấn sân sang năng lượng và bất động sản
Thực tế, quy mô của Công ty Hoàng Sơn liên tục mở rộng do doanh nghiệp này những năm gần đây đã không còn bó hẹp trong lĩnh vực xây lắp mà đã lấn sân sang mảng bất động sản và năng lượng. Cụ thể, lĩnh vực năng lượng, doanh nghiệp này là chủ sở hữu Nhà máy Thủy điện Suối Nhạp A (công suất 4 MW) và Nhà máy Thủy điện Đồng Chum 2 (công suất 9 MW) đều tại tỉnh Hòa Bình.
Một dự án khác được Công ty Hoàng Sơn triển khai là Nhà máy Thuỷ điện Bó Sinh công suất 24 MW, xây dựng trên dòng sông Mã thuộc huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La và huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Sản lượng điện hàng năm của nhà máy này đạt khoảng 87 triệu KWh. Dự án có tổng mức đầu tư trên 788 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.
Ngoài thủy điện, Công ty Hoàng Sơn còn từng tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo khi sở hữu cổ phần tại Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 2, qua đó sở hữu Dự án Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 (công suất 50 MW), Dự án Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 (công suất 50 MW) tại tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp này đã chuyển nhượng lại cổ phần cho CTCP BB Power Holdings cùng các cá nhân liên quan.
Ngoài ra, Công ty Hoàng Sơn còn từng là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Năng lượng Hoàng Sơn 2, thành lập hồi tháng 3/2019 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Đến tháng 10/2020, doanh nghiệp này tăng vốn lên 227,75 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 262,75 tỷ đồng vào tháng 11/2022, cơ cấu cổ đông không được công bố. Theo đăng ký thay đổi hồi tháng 8/2023, ông Vũ Quang Bảo (SN 1970) là Chủ tịch HĐQT Năng lượng Hoàng Sơn 2.
Ngày 12/7/2024, Năng lượng Hoàng Sơn 2 đã công bố thông tin bất thường về việc thay đổi kỳ hạn, ngày trả lãi, ngày thanh toán và lãi suất với lô trái phiếu HS2.H.2023.001. Theo đó, kỳ hạn trái phiếu chuyển từ 3 năm kể từ ngày phát hành (đáo hạn ngày 25/12/2023) điều chỉnh thành 51 tháng kể từ ngày phát hành (đáo hạn ngày 25/3/2025).
Bên cạnh đó, theo nghị quyết người sở hữu trái phiếu, Năng lượng Hoàng Sơn 2 được gia hạn thời gian mua lại trái phiếu ngay khi có thể nhưng không muộn hơn tiến độ thanh toán dài nhất là ngày đáo hạn 25/3/2025. Đáng chú ý, lãi suất trái phiếu sau điều chỉnh đã được giảm xuống từ 13%/năm xuống còn 8%/năm.
Trong nửa đầu năm 2024, Năng lượng Hoàng Sơn 2 lỗ sau thuế tới hơn 27 tỷ đồng. Liên tục thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu doanh nghiệp này cũng liên tục suy giảm, xuống còn vỏn vẹn gần 37 tỷ đồng tại ngày 30/6/2024. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu nhảy vọt từ 6,92 lần lên 15,61 lần; tương ứng tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối quý 2/2024 lên tới gần 572,9 tỷ đồng, chủ yếu là nợ trái phiếu.
Trong lĩnh vực bất động sản, Công ty Hoàng Sơn cũng nổi danh khi sở hữu nhiều dự án đáng chú ý như Dự án Đô thị sinh thái Sơn Anh (diện tích 150 ha, tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng); Dự án Đô thị sinh thái Sông Đà (400 ha, 1.780 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị Nam Quảng trường Hòa Bình (khoảng 78,37 ha, 1.600 tỷ đồng). Tại TP Hoà Bình, Công ty Hoàng Sơn còn thông qua thành viên là Công ty TNHH Thương mại Tuổi Trẻ sở hữu Khách sạn Grand Hotel – Diamond Palace.
Bên cạnh đó, vào cuối tháng 11/2020, CTCP Bất động sản STC Golden Land – doanh nghiệp do các cổ đông của Công ty Hoàng Sơn nắm giữ vốn điều lệ đã trúng đấu giá lô đất hơn 23,4 ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với giá hơn 1.626 tỷ đồng, cao gấp 1,8 lần giá khởi điểm.
Đáng chú ý, người đại diện pháp luật Bất động sản STC Golden Land cũng là ông Nguyễn Nam Chung. Doanh nhân này hiện còn đang đứng tên đại diện pháp luật cho nhiều pháp nhân khác như CTCP Thuỷ điện Bó Sinh, CTCP Đầu tư Phát triển Du lịch Suối Hoa, CTCP Du lịch Suối Hoa, Công ty TNHH Nam Quảng Trường Số 1 và Công ty TNHH Nam Quảng Trường Số 3. Chi tiết về hệ sinh thái này sẽ được thông tin trong các số tiếp theo.
Trong bài tiếp, Báo Nhà báo & Công luận sẽ thông tin tới bạn đọc kỹ hơn về những gói thầu đã trúng với tỷ lệ tiết kiệm “siêu thấp”, qua đó đã giúp Công ty Hoàng Sơn kiếm hàng trăm tỷ mỗi năm.
Nguồn: https://www.congluan.vn/trung-thau-hang-nghin-ty-voi-ty-le-tiet-kiem-sieu-thap-nhung-lai-mong-nhu-to-cong-ty-hoang-son-dong-thue-ca-nam-2023-chua-bang-tien-thu-hai-ngay-post310525.html