Thông tin với phóng viên báo Dân trí chiều 2/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp (Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) về tội Nhận hối lộ.
Quá trình điều tra, nhà chức trách xác định ông Trần Văn Hiệp đã có hành vi Nhận hối lộ, liên quan dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng.
Trước đó, cũng liên quan dự án này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng để điều tra về tội Nhận hối lộ.
Ngoài ra là bắt bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) của Văn phòng Chính phủ. Bà này bị cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Quá trình đổi chủ của Công ty Sài Gòn Đại Ninh
Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (gọi là dự án Sài Gòn – Đại Ninh) được giới thiệu có diện tích gần 3.600ha, trải dài trên 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan thuộc huyện Đức Trọng, có vốn đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng. Dự án này bao trọn hồ Đại Ninh – địa danh được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ ở huyện Đức Trọng.
Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) làm chủ đầu tư dự án này. Thông tin về doanh nghiệp này cũng như quá trình đổi chủ được Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) nêu chi tiết trong bản kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, liên quan đến hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Cao Trí với bà Trương Mỹ Lan.
Theo đó, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có trụ sở tại số 9 đường Đống Đa, phường 3, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, được thành lập và hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp ngày 7/1/2010. Bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, Người đại diện pháp luật.
Vốn điều lệ công ty khi thành lập là 300 tỷ đồng, do Công ty TNHH Thương mại Phương Nam góp 273 tỷ đồng, còn lại là các cá nhân khác. Đến ngày 10/10/2017, doanh nghiệp thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 7 với vốn điều lệ tăng lên 2.000 tỷ đồng.
Từ khi thành lập đến nay, Sài Gòn Đại Ninh chỉ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với một dự án là dự án Sài Gòn – Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Theo thỏa thuận giữa ông Trí và bà Hoa, ngày 2/12/2020, Sài Gòn – Đại Ninh ký hợp đồng bán 100% vốn điều lệ cho Công ty cổ phần Tập đoàn Bến Thành Holdings Group (công ty con của Tập đoàn Capella do ông Trí sở hữu) với giá 5.000 tỷ đồng. Sau đó, ông Trí dùng Công ty TNHH Capella Hospitality (công ty con của Tập đoàn Capella) đứng tên mua lại.
Vào các ngày 28/12/2020 và 5/2/2021, Công ty Capella Hospitality đã thanh toán 1.530 tỷ đồng để mua 51% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Đến ngày 30/9/2022, ông Trí nhờ em trai là Nguyễn Cao Đức đứng tên mua thêm 7% vốn điều lệ của cá nhân bà Hoa và thanh toán 700 tỷ đồng.
Tổng cộng, ông Trí đã sở hữu 58% vốn điều lệ và thanh toán cho bà Hoa 2.230 tỷ đồng. Nguồn tiền thanh toán là tiền nội bộ tại Công ty Capella và vay tại Ngân hàng Sacombank.
Sau khi thanh toán tiền mua 58% vốn điều lệ, ngày 28/1/2021, Sài Gòn Đại Ninh đăng ký thay đổi lần thứ 8, người đại diện pháp luật chuyển từ bà Hoa sang ông Trí.
Mối liên quan với Trương Mỹ Lan
Sau khi mua cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh, ông Trí thỏa thuận bán 100% vốn điều lệ cho bà Trương Mỹ Lan với giá 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho ông Trí tổng cộng 20 triệu USD (tương đương 463,5 tỷ đồng).
Thực tế, ông Trí khai nhận 1 triệu USD (tương ứng 23,2 tỷ đồng) và 127 tỷ đồng, còn 19 triệu USD chỉ ghi nhận tiến độ thanh toán nhưng chưa nhận tiền.
Tuy nhiên, sau đó bà Lan không mua cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh và thống nhất với ông Trí cộng số tiền đặt cọc 1 triệu USD (23,2 tỷ đồng) và 127 tỷ đồng này cùng với một số khoản tiền khác chuyển thành mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.
Những lùm xùm quanh dự án Sài Gòn – Đại Ninh
Mặc dù được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ cuối năm 2010 nhưng sau 13 năm, dự án vẫn trong cảnh dở dang.
Năm 2020, Thanh tra Chính phủ có yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất với dự án. Lý do thu hồi là chủ đầu tư đã không tuân thủ nghĩa vụ tài chính sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa lập hồ sơ tận thu lâm sản, chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng và đền bù tài nguyên rừng mà đã tiến hành làm đường giao thông.
Tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ rút yêu cầu thu hồi này, UBND tỉnh hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013. Thanh tra Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành dự án đúng cam kết, triển khai đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt.
Sau đó, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có đề nghị chính quyền tỉnh Lâm Đồng xem xét việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án và tổng mức đầu tư dự án. Chủ đầu tư đề nghị nâng tổng mức đầu tư từ hơn 25.000 tỷ đồng lên hơn 30.200 tỷ đồng. Đồng thời, quy mô sử dụng đất không thay đổi.
Ngoài ra, dự án cũng từng vướng không ít lùm xùm về vấn đề pháp lý. Sở Tài chính Lâm Đồng hồi tháng 10/2021 có báo cáo diện tích rừng bị mất của dự án hơn 257ha. Trong đó, hơn 140ha được Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xác định trữ lượng từ năm 2016. Sở Tài chính đã phê duyệt giá trị bồi thường tài nguyên rừng hơn 6,6 tỷ đồng, công ty Sài Gòn – Đại Ninh đã nộp đủ.
Diện tích 117ha rừng còn lại được xác định trữ lượng 3.449 m3. Sở xác định giá trị bồi thường hơn 12 tỷ đồng.