Trong những năm gần đây, yêu cầu về chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng ngày càng cao cùng với chủ trương phát triển các khu, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, du lịch của tỉnh, khiến việc cấp điện ổn định gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, Công ty Điện lực Ninh Bình đã đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng số hóa công tác quản lý vận hành TBA 110 kV và lưới điện phân phối, góp phần đảm bảo cung ứng điện liên tục, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Xác định phát triển lưới điện thông minh và chuyển đổi số trong quản lý vận hành là giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện các chỉ tiêu quản lý kỹ thuật vận hành, nâng cao chất lượng cấp điện phục vụ khách hàng, kiểm soát tổn thất hàng ngày tiến đến kiểm soát tổn thất online. Đồng thời, sử dụng sơ đồ lưới điện trực tuyến, theo dõi vận hành tối ưu lưới điện, áp dụng bản đồ số để quản lý đường dây và TBA, góp phần xác định vị trí lắp đặt TBA tối ưu cho các khu dân cư, quản lý mang tải, cân tải máy biến áp theo thời gian, áp dụng các phần mềm phát hiện việc bất thường trong việc sử dụng điện của khách hàng.
Công ty Điện lực Ninh Bình đã kết nối SCADA (hệ thống quản lý tự động để điều khiển giám sát đồng thời thu thập dữ liệu) với hệ thống phần mềm EVNSCADA (phần mềm do công ty viễn thông và công nghệ thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng và phát triển), đầu tư lắp đặt thiết bị, kênh truyền, hệ thống máy chủ, máy trạm HMI tại các trạm 110kV và tại Trung tâm điều khiển để giám sát thông số vận hành và điều khiển xa cho 9/9 trạm biến áp (TBA) 110kV. Trong đó, Trung tâm điều khiển xa Ninh Bình đã được Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Bắc và Tổng công ty Điện lực miền Bắc chấp thuận chuyển sang vận hành theo chế độ không người trực.
Song song với đó, Công ty Điện lực Ninh Bình đã xây dựng hệ thống giám sát, điều khiển cho lưới điện trung thế trên phạm vi toàn Công ty, phục vụ công tác quản lý vận hành lưới một cách trực quan, kịp thời.
Bên cạnh đó, Công ty từng bước hiện đại hóa hệ thống đo đếm, phát triển công tơ điện tử với tỉ lệ đo xa đạt 100% với các khách hàng chuyên dùng và đầu nguồn; đạt 88% với khách hàng sinh hoạt. Hạ tầng mạng viễn thông công nghệ thông tin với tiêu chí 1+1 (có phương án dự phòng, sẵn sàng thay thế khi có sự cố xảy ra) đảm bảo an toàn, tin cậy truyền dẫn dữ liệu.
Thực hiện nghị quyết số 68/NQ-HĐTV của Hội đồng thành viên EVN và Chỉ thị số 2511/CT-EVNNPC của Tổng Công ty, hướng tới mục tiêu “số hóa thông tin”, “số hóa quy trình” và “số hóa toàn diện”, Ban lãnh đạo Công ty Điện lực Ninh Bình đã quyết liệt chỉ đạo các phòng chuyên môn tính toán mở rộng liên kết đa chia, đa nối lưới trung áp, hòa đồng bộ trên các đường dây trung áp, các mạch DMS tự động hóa lưới trung áp với khả năng tự động điều chỉnh thay đổi phương thức kết dây, cô lập điểm sự cố, giảm tối thiểu số lượng khách hàng bị ảnh hưởng, không gây mất điện khách hàng khi chuyển nguồn hoặc thay đổi phương thức.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn Công ty đang vận hành 92 xuất tuyến trung áp với 155 recloser, trong đó có 38 mạch vòng có thể khép vòng hòa lưới đạt tỷ lệ 41%.
Thực tế cho thấy, việc số hóa trong quản lý vận hành các TBA 110kV và lưới phân phối trên địa bàn tỉnh đã góp phần đảm bảo tính ổn định, liên tục cấp điện, đảm bảo tính tối ưu về kết cấu lưới điện, linh hoạt trong vận hành. Chủ động trong việc chuyển đổi nguồn, thay đổi phương thức kết dây. Nhanh chóng cắt và cô lập đoạn đường dây bị sự cố, giảm thiểu được thời gian phát hiện sự cố, nhân lực thao tác trong quá trình xử lý sự cố và thời gian mất điện của khách hàng. Giám sát được điện áp tại các thanh cái trung thế tại các TBA 110kV và đưa ra cảnh báo điện áp thấp hoặc cao.
Qua đó, giúp Công ty Điện lực Ninh Bình luôn chủ động trong việc điều chỉnh điện áp đầu nguồn tại các TBA 110kV, duy trì điện áp trong dải vận hành tối ưu, góp phần nâng cao chất lượng điện năng và giảm tổn thất điện năng.
Thời gian tới, Công ty dự kiến sẽ xây dựng và đưa vào 4 đường dây trung áp đáp ứng tự động hóa mạch vòng DMS, từng bước xây dựng và phát triển lưới điện phù hợp với đề án phát triển lưới điện thông minh Việt Nam, từng bước hiện đại hóa lưới điện, nâng cao chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện.
Bài, ảnh: Huy Hoàn